Thông tư 02/2010/TT-BTTTT ngày 11/01/2010

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

———————–

Số: 02/2010/TT-BTTTT

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

—————————-

Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 2010

 

THÔNG TƯ

Quy định chi tiết thi hành một số quy định của Luật Xuất bản ngày 03 tháng 12 năm 2004, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản ngày 03 tháng 6 năm 2008,

Nghị định số 111/2005/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2005 và

Nghị định số 11/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2009

——————————-

BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

 

Căn cứ Luật Xuất bản số 30/2004/QH11 ngày 03 tháng 12 năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều bằng Luật số 12/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 111/2005/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản;

Căn cứ Nghị định số 11/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2009 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2005/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Xuất bản,

 

QUY ĐỊNH:

 

 Điều 1. Quy hoạch phát triển ngành xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm

1. Công tác quy hoạch phát triển ngành xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm phải đảm bảo các nguyên tắc sau đây:

a) Thực hiện chính sách của Nhà nước trong việc khuyến khích, hỗ trợ phát triển sự nghiệp xuất bản, xác định rõ mục tiêu, định hướng phát triển của từng giai đoạn;

b) Phù hợp và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước;

c) Phát triển thị trường xuất bản phẩm trong nước, tiếp cận và mở rộng thị trường ngoài nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế;

d) Ứng dụng công nghệ tiên tiến và bảo vệ môi trường;

đ) Quy hoạch phát triển ngành xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm của từng vùng kinh tế, từng địa phương phải phù hợp với quy hoạch phát triển ngành xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm toàn quốc.

2. Trách nhiệm xây dựng quy hoạch:

a) Cục Xuất bản chủ trì xây dựng quy hoạch phát triển ngành xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm toàn quốc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Căn cứ quy hoạch phát triển ngành xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm toàn quốc và quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng quy hoạch phát triển ngành xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm của địa phương trình cấp có thẩm quyền phê quyệt.

Điều 2. Xuất bản tác phẩm, tài liệu dưới hình thức xuất bản phẩm

Tác phẩm, tài liệu xuất bản dưới các hình thức sau đây phải thực hiện thông qua nhà xuất bản:

1. Sách in, sách chữ nổi; sách đọc, nghe bằng thiết bị điện tử, thiết bị kỹ thuật số, trên mạng internet;

2. Lịch tờ, lịch blốc, lịch túi, lịch sổ, lịch để bàn;

3. Tranh, ảnh, bản đồ, áp-phích, tờ rời, tờ gấp có nội dung quy định tại Điều 4 Luật Xuất bản;

4. Băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình có nội dung thay sách hoặc minh hoạ cho sách.

Điều 3. In ca-ta-lô (catalogue), tờ rời, tờ gấp thuộc loại không phải xin phép

1. Tổ chức, cá nhân đặt in ca-ta-lô, tờ rời, tờ gấp có nội dung chỉ để giới thiệu, hướng dẫn sử dụng hàng hóa, sản phẩm; tự giới thiệu về doanh nghiệp, hàng hoá và dịch vụ thì không phải xin phép xuất bản.

2. Trên ca-ta-lô, tờ rời, tờ gấp quy định tại khoản 1 Điều này ít nhất phải thể hiện các thông tin:

a) Tên, địa chỉ, số điện thoại của tổ chức, cá nhân đặt in;

b) Tên cơ sở in. 

3. Cơ sở chế bản, in, gia công sau in không phải xin cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm khi chỉ thực hiện chế bản, in, gia công sau in ca-ta-lô, tờ rời, tờ gấp quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 4. Thẩm định tác phẩm theo quy định của Điều 21 Luật Xuất bản

1. Trước khi đăng ký kế hoạch xuất bản tác phẩm quy định tại Điều 21 Luật Xuất bản, nhà xuất bản phải thành lập hội đồng để thẩm định nội dung. Thành phần hội đồng thẩm định gồm Giám đốc, Tổng biên tập, trưởng bộ phận biên tập, biên tập viên và đại diện cơ quan chủ quản nhà xuất bản;

Trường hợp tác phẩm có nội dung liên quan đến chính trị, lịch sử, địa lý phải có thêm ý kiến bằng văn bản của cơ quan nghiên cứu chuyên ngành của nhà nước cấp trung ương hoặc cấp tỉnh về lĩnh vực đó.

2. Kết luận của hội đồng thẩm định được lập thành văn bản và có ý kiến phê duyệt của lãnh đạo cơ quan chủ quản nhà xuất bản gửi kèm bản đăng ký kế hoạch xuất bản.

Điều 5. Nộp lưu chiểu xuất bản phẩm

1. Việc nộp lưu chiểu xuất bản phẩm thực hiện theo quy định của Quy chế lưu chiểu xuất bản phẩm ban hành kèm theo Quyết định số 102/2006/QĐ-BVHTT ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá-Thông tin.

Cục Xuất bản có trách nhiệm hướng dẫn nghiệp vụ cho các Sở Thông tin và Truyền thông về nhận và đọc kiểm tra lưu chiểu xuất bản phẩm.

2. Ít nhất 10 ngày trước khi đăng tải xuất bản phẩm được xuất bản trên mạng internet, nhà xuất bản phải nộp lưu chiểu cho Cục Xuất bản thiết bị chứa xuất bản phẩm nộp lưu chiểu (CD-ROM, DVD, VCD, USB) hoặc thư điện tử – email có đính kèm tệp tin (file chứa nội dung xuất bản phẩm có dung lượng không quá 03 MB) kèm theo 02 tờ khai lưu chiểu.

Điều 6. Xuất bản và phát hành xuất bản phẩm trên mạng thông tin máy tính (mạng internet)

1. Nhà xuất bản thực hiện việc xuất bản trên mạng internet phải thiết lập trang thông tin điện tử (website) sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam – “.vn” hoặc có văn bản uỷ quyền đăng tải xuất bản phẩm cho tổ chức, cá nhân có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phát hành xuất bản phẩm và website sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam – “.vn”.

2. Nhà xuất bản và tổ chức, cá nhân có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh về phát hành xuất bản phẩm mới được phát hành xuất bản phẩm trên mạng internet và phải thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 11/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2009.

Điều 7. Điều kiện ký hợp đồng chế bản, in và gia công sau in xuất bản phẩm

Khi ký hợp đồng, cá nhân đặt in phải cung cấp các giấy tờ sau đây cho cơ sở chế bản, in và gia công sau in xuất bản phẩm để lưu giữ:

1. Giấy giới thiệu hoặc văn bản uỷ quyền của nhà xuất bản, cơ quan, tổ chức được phép xuất bản cấp cho cá nhân đặt in, trong đó ghi rõ nội dung giới thiệu hoặc ủy quyền, họ tên, chức vụ, địa chỉ, số điện thoại của người được giới thiệu hoặc uỷ quyền, tên xuất bản phẩm, số quyết định xuất bản của giám đốc nhà xuất bản hoặc số giấy phép xuất bản;

2. Quyết định xuất bản của giám đốc nhà xuất bản hoặc giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh do Cục Xuất bản hoặc Sở Thông tin và Truyền thông cấp;

3. Bản thảo xuất bản phẩm đã được giám đốc nhà xuất bản ký duyệt hoặc bản thảo tài liệu đã được đóng dấu của Cục Xuất bản hoặc Sở Thông tin và Truyền thông.

Điều 8. Điều kiện về thiết bị để cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm

1. Cơ sở chế bản, in ít nhất phải có thiết bị sau đây tùy theo chức năng hoạt động mới được cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm:

a) Máy vi tính, máy ghi phim hoặc ghi kẽm;

b) Máy in;

c) Máy dao, máy khâu thép, máy vào bìa hoặc máy liên hợp hoàn thiện xuất bản phẩm.

2. Cơ sở chế bản, in phải nộp bản sao một trong các giấy tờ sau đây chứng minh về việc có thiết bị quy định tại khoản 1 Điều này để Cục Xuất bản hoặc Sở Thông tin và Truyền thông xem xét, cấp giấy phép:

a) Hoá đơn mua thiết bị hoặc giấy tờ, chứng từ tương đương;

b) Hợp đồng thuê thiết bị, các giấy tờ khác có liên quan.

3. Trường hợp cơ sở chỉ thực hiện gia công sau in thì không phải xin cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm nhưng phải lập sổ quản lý sản phẩm nhận gia công.

Điều 9. Xuất bản phẩm không được chế bản, in, gia công sau in cho nước ngoài

Không được chế bản, in, gia công sau in cho tổ chức, cá nhân nước ngoài các xuất bản phẩm sau đây:

1. Có nội dung vi phạm các quy định tại Điều 10 Luật Xuất bản;

2. Vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ;

3. Đã có quyết định đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy tại Việt Nam;

4. Có nội dung không phù hợp với quan hệ đối ngoại của Việt Nam.

Điều 10. Đăng ký và xác nhận đăng ký xuất bản phẩm nhập khẩu để kinh doanh

1. Trước khi nhập khẩu, cơ sở kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm phải gửi giấy đăng ký danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu để kinh doanh kèm theo 03 bản danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu đến Cục Xuất bản.

2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được giấy đăng ký và danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu để kinh doanh, Cục Xuất bản xem xét, xác nhận đăng ký bằng văn bản, đóng dấu vào 03 bản danh mục và gửi trả lại cơ sở kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm 02 bản.

Điều 11. Hồ sơ xin cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh

1. Hồ sơ xin cấp giấy phép bao gồm:

a) Đơn xin cấp giấy phép kèm theo 03 bản danh mục xuất bản phẩm xin nhập khẩu;

b) Bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người đến làm thủ tục xin cấp giấy phép (có bản gốc để đối chiếu), trừ trường hợp gửi hồ sơ xin cấp giấy phép qua hệ thống bưu điện hoặc chuyển phát;

c) Bản sao vận đơn, hoá đơn, giấy báo nhận hàng kèm theo bản gốc để đối chiếu (nếu có) đối với xuất bản phẩm nhập khẩu đang được hải quan, bưu điện,   doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát lưu giữ;

d) Bản sao có chứng thực giấy phép hoạt động tại Việt Nam đối với  cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế đứng tên xin cấp giấy phép;

đ) Trường hợp nhập khẩu xuất bản phẩm để phục vụ công tác nghiên cứu chuyên ngành phải có thêm văn bản đề nghị cấp phép nhập khẩu của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở trung ương hoặc cấp tỉnh phụ trách lĩnh vực thuộc chuyên ngành đó.

2. Cơ quan, tổ chức trung ương; cơ quan, tổ chức nước ngoài; tổ chức quốc tế có trụ sở tại thành phố Hà Nội nộp hồ sơ xin cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh tại Cục Xuất bản hoặc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội.

3. Cơ quan, tổ chức của địa phương; chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị trực thuộc của cơ quan, tổ chức trung ương đóng tại địa phương; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế có trụ sở tại địa phương hoặc đang hoạt động tại địa phương; cá nhân Việt Nam, cá nhân nước ngoài đến địa phương hoặc đang sinh sống tại địa phương nộp hồ sơ xin cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh tại Sở Thông tin và Truyền thông sở tại.

Điều 12. Thẩm định nội dung xuất bản phẩm nhập khẩu không kinh doanh

Việc thẩm định nội dung xuất bản phẩm để quyết định việc cấp giấy phép nhập khẩu không kinh doanh thực hiện như sau:

1. Tổ chức, cá nhân có xuất bản phẩm nhập khẩu không kinh doanh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung xuất bản phẩm do mình nhập khẩu;

2. Khi phát hiện xuất bản phẩm có dấu hiệu vi phạm Luật Xuất bản và các quy định khác của pháp luật có liên quan, Cục Xuất bản hoặc Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm:

a) Đối với xuất bản phẩm đang được lưu giữ tại hải quan, bưu điện, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát để hoàn tất thủ tục nhập khẩu:

– Cấp giấy phép nhập khẩu với số lượng xuất bản phẩm tối thiểu đủ để thẩm định nội dung;

– Yêu cầu tổ chức, cá nhân nhập khẩu nộp xuất bản phẩm để thẩm định nội dung và chịu trách nhiệm về chi phí thẩm định theo quy định hiện hành;

– Thành lập hội đồng thẩm định nội dung gồm các chuyên gia có đủ trình độ để thẩm định. Thời gian thẩm định không quá 10 ngày đối với 01 xuất bản phẩm là sách và 05 ngày đối với 01 xuất bản phẩm khác quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 2 Thông tư này. Kết quả thẩm định phải được lập thành văn bản.

– Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được biên bản thẩm định, Cục Xuất bản hoặc Sở Thông tin và Truyền thông xem xét, cấp giấy phép nhập khẩu đối với số xuất bản phẩm phải thẩm định, nếu không cấp phép phải có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân có xuất bản phẩm nhập khẩu tái xuất hoặc tiêu huỷ xuất bản phẩm xin nhập khẩu.

b) Đối với xuất bản phẩm là tài sản di chuyển của tổ chức, cá nhân để sử dụng riêng, tài liệu phục vụ hội thảo, hội nghị quốc tế đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép tổ chức hội thảo, hội nghị tại Việt Nam mà chuyển giao cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác của Việt Nam:

– Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận xuất bản phẩm thẩm định nội dung. Biên bản thẩm định được lập thành văn bản và gửi về Cục Xuất bản hoặc Sở Thông tin và Truyền thông;

– Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được biên bản thẩm định, Cục Xuất bản hoặc Sở Thông tin và Truyền thông xem xét, cấp giấy phép nhập khẩu; Trường hợp không cấp giấy phép nhập khẩu phải có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân xin cấp phép từ chối tiếp nhận xuất bản phẩm đó.

Điều 13. Thẩm định nội dung xuất bản phẩm nhập khẩu để kinh doanh có dấu hiệu vi phạm pháp luật

Việc thẩm định nội dung xuất bản phẩm nhập khẩu để kinh doanh có dấu hiệu vi phạm pháp luật thực hiện như sau:

1. Khi phát hiện xuất bản phẩm có dấu hiệu vi phạm Luật Xuất bản và các quy định khác của pháp luật có liên quan, Cục Xuất bản có văn bản yêu cầu cơ sở nhập khẩu xuất bản phẩm thành lập Hội đồng thẩm định gồm các chuyên gia có đủ trình độ để tổ chức thẩm định trước khi xác nhận đăng ký nhập khẩu. Biên bản của Hội đồng thẩm định được lập thành văn bản và gửi về Cục Xuất bản;

2. Trường hợp cơ sở nhập khẩu không đủ điều kiện thẩm định nội dung xuất bản phẩm trước khi nhập khẩu thì Cục Xuất bản xác nhận đăng ký nhập khẩu với số lượng xuất bản phẩm tối thiểu đủ để thẩm định nội dung và yêu cầu cơ sở nhập khẩu thẩm định nội dung theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

3. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được biên bản thẩm định, Cục Xuất bản xem xét, xác nhận đăng ký nhập khẩu hoặc có văn bản khước từ việc xác nhận đăng ký nhập khẩu và buộc cơ sở nhập khẩu phải tái xuất hoặc tiêu huỷ xuất bản phẩm đã được nhập khẩu dùng để thẩm định.

Điều 14. Triển lãm, hội chợ xuất bản phẩm

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế trưng bày xuất bản phẩm để kinh doanh dưới hình thức hội chợ phải xin cấp giấy phép tổ chức hội chợ xuất bản phẩm theo quy định tại Điều 42 của Luật Xuất bản, khoản 1 và khoản 2 Điều 19 Nghị định số 111/2005/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2005.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế trưng bày xuất bản phẩm để giới thiệu, quảng bá đến nhiều người không nhằm mục đích kinh doanh dưới hình thức triển lãm phải xin cấp giấy phép tổ chức triển lãm xuất bản phẩm theo quy định tại Điều 42 của Luật Xuất bản, khoản 1 và khoản 2 Điều 19 Nghị định số 111/2005/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2005.

Điều 15. Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông trong việc tạm đình chỉ hoạt động của nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành xuất bản phẩm của trung ương tại địa phương

 Trường hợp nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành xuất bản phẩm của trung ương đóng tại địa phương có sai phạm phải tạm đình chỉ hoạt động, Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm:

1. Báo cáo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

2. Sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, xử lý theo thẩm quyền quy định tại điểm d khoản 1 Điều 6 Nghị định số 111/2005/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2005.

Điều 16. Cấp lại giấy phép hoạt động kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm

Trong thời hạn sau 60 ngày, kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, cơ sở kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm đã được cấp giấy phép hoạt động trước ngày 01 tháng 01 năm 2009 phải làm thủ tục xin cấp lại giấy phép hoạt động.

Điều 17. Ban hành biểu mẫu

Ban hành kèm theo Thông tư này 22 biểu mẫu để thực hiện các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm.

Điều 18. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2010.

Thông tư số 30/2006/TT-BVHTT ngày 22 tháng 02 năm 2006 của Bộ Văn hoá-Thông tin về hướng dẫn thi hành Nghị định số 111/2005/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ và Quyết định số 31/2006/QĐ-BVHTT ngày 01 tháng 3 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá-Thông tin về ban hành các mẫu giấy phép, giấy xác nhận đăng ký, tờ khai nộp lưu chiểu sử dụng trong hoạt động xuất bản hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh bằng văn bản về Bộ Thông tin và Truyền thông (qua Cục Xuất bản) để xem xét, giải quyết./.

 

Nơi nhận:

– Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng CP;

– Văn phòng Quốc hội;

– Văn phòng Chủ tịch nước;       

– Văn phòng Chính phủ;

– Văn phòng TW và các Ban của Đảng;

– Bộ TTTT: BT và các TT;

– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

– Toà án nhân dân tối cao;

– Cơ quan TW của các đoàn thể;

– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;

– Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;

– Hội Xuất bản Việt Nam; Hiệp hội in Việt Nam ;

– Cổng TTĐT Chính phủ, Công báo;

– Cục kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);

– Các cơ quan đơn vị thuộc Bộ TT&TT;

– Các nhà xuất bản, cơ sở in, công ty phát hành sách;

– Các VPĐD NXB, tổ chức phát hành nước ngoài tại Việt Nam;

– Lưu: VT, XB, (400b)

KT.BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

(Đã ký)

 

 

 

 

 

Đỗ Quý Doãn

 

 

 

 

 

Tags: , , , , ,

Comments are closed.