Sáng chế mật, khái niệm lần đầu tiên được quy định trong Nghị định 122/2010/NĐ-CP

Nghị định 122/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về Sở hữu công nghiệp.

Ngày 31/12/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 122/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp.
Đáng chú ý nhất là Nghị định đã bổ sung Chương III a quy định về Sáng chế mật. Theo đó, sáng chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia theo pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước gọi là sáng chế mật. Sáng chế mật chỉ có thể được cấp Bằng độc quyền sáng chế mật hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích mật. Đơn đăng ký sáng chế mật, Bằng độc quyền sáng chế mật, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích mật không được công bố và phải được bảo mật theo pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. 
Bên cạnh đó, Nghị định còn bổ sung thẩm quyền cho: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành cấp phép để đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương. Theo đó các tổ chức này vừa có thẩm quyền nộp đơn đăng ký và tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý dùng cho các đặc sản của địa phương vừa có thẩm quyền cấp phép để đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản của địa phương. Bộ Khoa học và Công nghệ có thẩm quyền quy định tiêu chí xác định địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm.
Nghị định còn sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp. Theo đó, Nghị định đã bổ sung thêm 2 tổ chức được phép kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp nếu có đủ điều kiện là: (1) hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo pháp luật về hợp tác xã; (2) Chi nhánh và các đơn vị phụ thuộc khác của các tổ chức đáp ứng điều kiện chỉ được kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp dưới danh nghĩa của tổ chức mà mình phụ thuộc.                              
Nghị định quy định cụ thể về việc xử lý đơn sau khi Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực như sau:
Các đơn đăng ký sở hữu công nghiệp nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ từ ngày 01 tháng 7 năm 2006 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2010 được xử lý theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Các đơn đăng ký sở hữu công nghiệp nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ từ ngày 01 tháng 01 năm 2010 được xử lý theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/02/2011.

Tags: , , ,

Comments are closed.