QUYẾT ĐỊNH
Về ban hành Quy chế làm việc của Ban Chỉ huy
Phòng, chống lụt, bão thành phố
__________________
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão ngày 08 tháng 3 năm 1993 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão ngày 24 tháng 8 năm 2000;
Căn cứ Nghị định số 08/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão đã được sửa đổi, bổ sung ngày 24 tháng 8 năm 2000;
Căn cứ Nghị định số 168/HĐBT ngày 19 tháng 5 năm 1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quy định về tổ chức, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương và Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão các cấp và các ngành;
Căn cứ Quyết định số 63/2002/QĐ-TTg ngày 20 tháng 5 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai;
Căn cứ Quyết định số 04/2008/QĐ-UBND ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định về công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại thành phố Hồ Chí Minh;
Xét đề nghị của Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố tại Tờ trình số 138/TTr-PCLB ngày 18 tháng 6 năm 2008.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế làm việc của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố, Thủ trưởng các Sở – ban – ngành thành phố, các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận – huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: – Như Điều 3; – Cục Kiểm tra văn bản – Bộ Tư pháp; – Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão TW; – Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn; – Phân Ban Chỉ đạo PCLB Miền Nam; – TT/TU, TT/HĐND.TP, TT/UBND.TP; – Ủy ban MTTQ VN TP; – Các đoàn thể thành phố; – Các Tổng Công ty 90, 91 đóng tại TP; – VPHĐ-UB: PVP/KT, ĐT; – Các báo, đài TP; – Phòng CNN, ĐT, THKH, TTCB; – Lưu: VT, (CNN/Đ) MH. |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN KT. CHỦ TỊCH PHÓ CHỦ TỊCH (Đã ký) Nguyễn Trung Tín |
QUY CHẾ
Làm việc của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố Hồ Chí Minh
(Ban hành kèm theo Quyết định số…… /2008/QĐ-UBND ngày…. háng 6 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố)__________________
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quy chế này quy định nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, mối quan hệ công tác của các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố.
Điều 2. Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố được thành lập và kiện toàn theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố. Thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố đảm nhận nhiệm vụ theo chế độ kiêm nhiệm và được sử dụng cán bộ, công chức, bộ máy của đơn vị để giúp việc nhằm hoàn thành nhiệm vụ theo phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.
Điều 3. Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố có con dấu riêng, được cấp kinh phí từ ngân sách Nhà nước và mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước để hoạt động theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố có các cơ quan thường trực để chỉ đạo, điều hành, tổ chức điều phối thực hiện nhiệm vụ của Ban:
1. Cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố:
– Địa chỉ: số 176 Hai Bà Trưng, phường Đa Kao, quận 01, thành phố Hồ Chí Minh;
– Điện thoại: 8.297.614, 8.292.618;
– Fax: 8.294.764;
– E-mail: [email protected];
– Website: www.sonongnghiep.hochiminhcity.gov.vn.
2. Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố là Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố):
– Địa chỉ: lầu 2, số 176 Hai Bà Trưng, phường Đa Kao, quận 01, thành phố Hồ Chí Minh;
– Điện thoại: 8.297.598, 8.257.446, 8.233.811;
– Fax: 8.232.742, 8.233.811;
– E-mail: [email protected].vn, [email protected];
– Website: www.phongchonglutbaotphcm.gov.vn.
3. Cơ quan Thường trực Tìm kiếm cứu nạn là Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố:
– Địa chỉ: số 291 Cách Mạng Tháng Tám, phường 12, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh;
– Điện thoại: 069.652.005, 069.652.006;
– Fax: 8.656.234, 8.249.329.
4. Cơ quan Thường trực Phòng và khắc phục hậu quả động đất, sóng thần là Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố:
– Địa chỉ: số 63 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 01, thành phố Hồ Chí Minh;
– Điện thoại: 8.231.808, 8.293.661;
– Fax: 8.231.806.
– E-mail: [email protected], [email protected];
– Website: www.donre.hochiminhcity.gov.vn.
5. Khi xảy ra lụt, bão, động đất, sóng thần và các thiên tai khác, các cơ quan, tổ chức, địa phương báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố, đồng thời báo cáo về cơ quan thường trực liên quan đến loại thiên tai
xảy ra.
Chương II
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA BAN CHỈ HUY
PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO THÀNH PHỐ
Điều 5. Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố có nhiệm vụ
1. Thay mặt Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, hướng dẫn các Sở – ngành, Ủy ban nhân dân các quận – huyện, các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng phương án, kế hoạch và tổ chức thực hiện về công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai; báo tin động đất, cảnh báo sóng thần; khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra và tìm kiếm, cứu nạn nhằm phát triển ổn định kinh tế – xã hội, bảo vệ an toàn, tính mạng và tài sản của nhân dân trên địa bàn thành phố.
2. Đánh giá, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, lũ, bão, triều cường, động đất, sóng thần và công tác tìm kiếm, cứu nạn hàng năm và các năm qua; trên cơ sở đó rà soát lại nhiệm vụ, phương án và kế hoạch phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của thành phố hàng năm, đảm bảo sát với thực tế và diễn biến của từng loại thiên tai. Thực hiện việc xây dựng phương án, kế hoạch và báo cáo cho Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, các Bộ – ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân thành phố.
3. Xây dựng kế hoạch trang bị và kiểm tra phương tiện, trang thiết bị, vật tư… phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Chủ động và kịp thời chỉ đạo, điều động các lực lượng, phương tiện, vật tư để chi viện, ứng cứu đối phó khi có tình huống đột xuất do thiên tai để hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất; khắc phục hậu quả, sớm phục hồi sản xuất, cơ sở vật chất kỹ thuật và ổn định đời sống nhân dân.
4. Tổ chức tập huấn, diễn tập cho các lực lượng trực tiếp làm công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai, cứu hộ, cứu nạn và nhân dân trong vùng thiên tai.
5. Lập và trình Ủy ban nhân dân thành phố giao chỉ tiêu thu – nộp Quỹ Phòng, chống lụt, bão hàng năm cho Ủy ban nhân dân các quận – huyện và Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão theo Nghị định số 50/CP ngày 10 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ; đồng thời hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện.
6. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ (sơ kết, tổng kết) và báo cáo đột xuất về công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định.
Điều 6. Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố có quyền hạn
1. Được điều động lực lượng, phương tiện, vật tư để chi viện, ứng cứu các tình huống khẩn cấp do thiên tai gây ra.
2. Phê duyệt kế hoạch, phương án phòng, chống lụt, bão, thiên tai – tìm kiếm cứu nạn hằng năm của các quận – huyện và các Sở – ngành trên địa bàn thành phố.
3. Tham gia thẩm định các dự án, đề án có liên quan đến công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn thành phố.
4. Được sử dụng các nguồn kinh phí cấp cho hoạt động phòng, chống lụt, bão, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định của
pháp luật.
Chương III
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA CÁC THÀNH VIÊN
BAN CHỈ HUY PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO THÀNH PHỐ
Điều 7. Trưởng ban
1. Trưởng ban là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.
2. Phụ trách chung.
3. Trực tiếp chỉ đạo các tình huống khẩn cấp (bão, lũ, lụt, động đất, sóng thần, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn).
4. Chủ tài khoản Quỹ Phòng, chống lụt, bão thành phố; quyết định mức hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, điều động Quỹ Phòng, chống lụt, bão thành phố (theo Nghị định số 50/CP ngày 10 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ).
5. Quyết định duyệt chi từ nguồn ngân sách thành phố sử dụng cho công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, trong trường hợp số kinh phí phê duyệt lớn hơn 10 tỷ đồng phải thông qua Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố tại kỳ họp.
6. Chủ trì các cuộc họp của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố.
Điều 8. Phó Trưởng ban Thường trực
1. Phó Trưởng ban Thường trực là Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, phụ trách công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai.
2. Thay mặt Trưởng ban giải quyết công việc khi Trưởng ban đi vắng.
3. Làm Thường trực của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố và chỉ đạo trực tiếp Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố.
4. Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về việc giao chỉ tiêu thu – nộp Quỹ Phòng, chống lụt, bão (doanh nghiệp, công dân) hàng năm và đề xuất sử dụng Quỹ Phòng, chống lụt, bão thành phố; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, Sở Tài chính thành phố trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố duyệt chi từ ngân sách thành phố.
Điều 9. Các Phó Trưởng ban
1. Các Phó Trưởng ban phải là lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, phụ trách theo lĩnh vực ngành và theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tại quận – huyện được Ủy ban nhân dân thành phố phân công theo quyết định kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Phó Trưởng ban theo các lĩnh vực:
a) Phó Trưởng ban phụ trách chống ngập:
Phụ trách công tác phòng, chống ngập lụt và tiêu thoát nước trên địa bàn thành phố.
b) Phó Trưởng ban phụ trách thủy lợi – đê điều – thủy sản:
– Phụ trách vấn đề tiêu thoát nước, chống ngập úng ngoại thành và vùng nông thôn ở các quận ven;
– Phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố phụ trách công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho ngư dân và các phương tiện hoạt động nghề cá trên biển.
Điều 10. Các Ủy viên phải là lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, phụ trách lĩnh vực ngành và theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai tại quận – huyện được Ủy ban nhân dân thành phố phân công theo quyết định kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố.
Điều 11. Nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố
1. Nhiệm vụ:
a) Tham mưu cho Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố:
– Đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các quyết định, chỉ thị về công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn thành phố;
– Phối hợp với cơ quan có liên quan và các quận – huyện triển khai, chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai;
– Kiểm tra (kết hợp cả việc đi thực tế), xem xét đề xuất đầu tư, duy tu, sửa chữa công trình phòng, chống lụt, bão, thiên tai, tập huấn, diễn tập và cấp trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của các địa phương, đơn vị;
– Xây dựng kế hoạch, phương án về công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai; triển khai thực hiện các chế độ, chính sách, quy định về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai;
– Quản lý các công trình, dự án đầu tư về phòng, chống lụt, bão, thiên tai; hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện xây dựng công trình phòng, chống lụt, bão, thiên tai và quyết toán nguồn kinh phí được duyệt chi từ Quỹ Phòng, chống lụt, bão thành phố;
– Kiến nghị các đơn vị quản lý hồ chứa điều tiết lưu lượng xả hợp lý trong thời điểm triều cường để giảm nguy cơ gây ngập úng.
b) Tổ chức kiểm tra hiện trạng công trình phòng, chống lụt, bão, thiên tai trước, trong và sau mùa mưa bão, các vị trí sạt lở, các điểm úng ngập… để đề xuất biện pháp phòng tránh, xử lý, khắc phục kịp thời và xây dựng, cập nhật các loại bản đồ phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo phòng, chống lụt, bão, thiên tai.
c) Triển khai công tác thu – nộp, sử dụng Quỹ Phòng, chống lụt, bão thành phố theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.
d) Cập nhật, tổng hợp các thông tin về khí tượng thủy văn, xả lũ, thiên tai, các thiệt hại do thiên tai gây ra và các nguồn cứu trợ, tài trợ cho công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai.
đ) Xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống lụt, bão, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn định kỳ cho Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố. Tổng hợp báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố cho các cơ quan Trung ương, lãnh đạo thành phố theo quy định.
e) Thường xuyên báo cáo, thông tin tình hình chỉ đạo và kết quả thực hiện công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiệt hại và khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cho các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố.
g) Quản lý, sử dụng lao động, con dấu, tài sản, tài chính của Văn phòng Ban theo sự phân công, phân cấp của Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố.
2. Quyền hạn:
a) Có ý kiến về kỹ thuật chuyên ngành các công trình phòng, chống lụt, bão, thiên tai được đầu tư từ Quỹ Phòng, chống lụt, bão thành phố và ngân sách thành phố.
b) Đề xuất Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố trình
Ủy ban nhân dân thành phố xem xét đầu tư, duy tu, sửa chữa công trình phòng, chống lụt, bão, thiên tai, tập huấn, diễn tập và cấp trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
c) Kiểm tra công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai, tiến độ thực hiện
công trình phòng, chống lụt, bão, thiên tai và Quỹ Phòng, chống lụt, bão tại các
địa phương.
Chương IV
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC, MỐI QUAN HỆ PHỐI HỢP CÔNG TÁC
Điều 12. Bộ máy giúp việc và chế độ làm việc của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố
1. Giúp việc cho Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố là các cơ quan Thường trực theo từng lĩnh vực (gồm Thường trực Ban, Thường trực Tìm kiếm cứu nạn, Thường trực Phòng và khắc phục hậu quả động đất, sóng thần) và Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố.
2. Chế độ làm việc của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố được quy định như sau:
a) Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố họp thường kỳ 02 lần trong năm. Trong trường hợp khẩn cấp có thể họp bất thường do Trưởng ban quyết định triệu tập.
b) Chương trình, nội dung và tài liệu phục vụ cho các kỳ họp do Văn phòng Ban và cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố phối hợp chuẩn bị.
c) Giữa các kỳ họp, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố triển khai, kiểm tra, đôn đốc và giải quyết các công việc liên quan đến lĩnh vực phòng, chống lụt, bão, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Điều 13. Chế độ trực ban
1. Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố trực ban và triển khai công tác trực ban 24/24 giờ tại đơn vị mình khi có bão, áp thấp nhiệt đới, lũ và các thiên tai khác. Trực tiếp kiểm tra hiện trường nơi xảy ra sự cố, thiên tai để chỉ đạo, phối hợp giải quyết. Thành phần tham gia trực ban được hưởng chế độ phụ cấp, bồi dưỡng theo Thông tư liên tịch số 08/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 05 tháng 01 năm 2005 của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức.
2. Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố ban hành và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy chế trực ban nghiêm túc, đúng quy định. Cụ thể, từ ngày 01 tháng 7 đến hết ngày 31 tháng 12 hàng năm tổ chức trực ban vào các ngày nghỉ, ngày lễ; khi có bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, xả lũ, triều cường, lốc xoáy, sạt lở đất, mưa to kéo dài và các thiên tai khác phải tổ chức trực ban 24/24 giờ.
Điều 14. Mối quan hệ của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố
1. Đối với Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt, bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn: Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố chịu sự chỉ đạo về chuyên môn, chuyên ngành và có trách nhiệm thực hiện chế độ thông tin báo cáo theo quy định.
2. Đối với Ủy ban nhân dân thành phố: Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố chịu sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, có trách nhiệm thực hiện chế độ thông tin báo cáo kịp thời và đề xuất, tham mưu những vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống lụt, bão, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ và khắc phục hậu quả thiệt hại do thiên tai gây ra.
3. Đối với các Sở – ngành thành phố, các cơ quan đóng trên địa bàn thành phố: Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ để triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.
4. Đối với các quận – huyện: Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố có trách nhiệm phối hợp triển khai, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ
liên quan đến công tác phòng, chống lụt, bão, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão thành phố, Thủ trưởng các
Sở – ngành và Ủy ban nhân dân các quận – huyện có trách nhiệm triển khai và theo dõi việc thực hiện Quy chế này, đồng thời tổng hợp những vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung phối hợp với Sở Nội vụ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định. Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão, các Sở – ngành thành phố và
quận – huyện căn cứ Quy chế này xây dựng quy chế làm việc của đơn vị mình./.
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Nguyễn Trung Tín