QUYẾT ĐỊNH
SỐ 58/2008/QĐ-BGDĐ CỦA BỘ GIÁO DỤC ĐÀO TẠO NGÀY17 THÁNG 10 NĂM 2008 BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG Y TẾ TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON.
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Căn cứ Nghị định số 36/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em;
Căn cứ Chỉ thị số 23/2006/CT-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác y tế trong các trường học;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về hoạt động y tế trong các cơ sở giáo dục mầm non.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bị bãi bỏ.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
– Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
– Ban Tuyên giáo Trung ương (để báo cáo);
– Uỷ ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội (để báo cáo);
– Như Điều 3 (để thực hiện);
– Bộ Tư pháp (Cục KTVB QPPL);
– Bộ Y tế (để phối hợp);
– Kiểm toán nhà nước;
– Công báo;
– Website Chính phủ;
– Website Bộ GD&ĐT;
– Lưu: VT, Vụ CT HSSV, Vụ PC. KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
(Đã ký)
Phạm Vũ Luận
QUY ĐỊNH
Về hoạt động y tế trong các cơ sở giáo dục mầm non
(Ban hành kèm theo Quyết định số 58/2008/QĐ-BGDĐT
ngày 17 tháng 10 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Văn bản này quy định về hoạt động y tế trong các cơ sở giáo dục mầm non bao gồm: mục đích, nội dung hoạt động và các điều kiện đảm bảo.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng cho các cơ sở giáo dục mầm non.
Chương II
MỤC ĐÍCH, NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG Y TẾ
Điều 3. Mục đích
Hoạt động y tế trong các cơ sở giáo dục mầm non nhằm đảm bảo an toàn, vệ sinh phòng bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho trẻ em, giúp trẻ em phát triển về thể chất.
Điều 4. Nội dung hoạt động
1. Quản lý và chăm sóc sức khoẻ cho trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non, cụ thể là:
a) Quản lý, lưu hồ sơ hoặc sổ theo dõi sức khoẻ của trẻ em;
b) Tổ chức khám sức khỏe định kỳ và phân loại sức khoẻ cho trẻ em ít nhất mỗi năm hai lần vào đầu mỗi học kỳ; Đánh giá sự phát triển về thể chất của trẻ em theo quy định hiện hành;
c) Đo chiều cao, cân nặng, ghi biểu đồ tăng trưởng, theo dõi sự phát triển thể lực cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi mỗi tháng một lần, trẻ em trên 24 tháng tuổi mỗi quý một lần. Theo dõi, phối hợp với cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em trong việc tiêm chủng, uống vắc xin phòng bệnh;
d) Sơ cứu, cấp cứu, chăm sóc sức khoẻ ban đầu theo quy định hiện hành của Bộ Y tế; Chuyển trẻ em bị tai nạn và ốm đau đột xuất đến cơ sở y tế trong trường hợp cần thiết;
đ) Giáo dục vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường cho trẻ em; Tham gia xây dựng thực đơn và khẩu phần ăn cho trẻ em;
e) Thông báo định kỳ và khi cần thiết tình hình sức khoẻ của trẻ em cho cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em.
2. Tổ chức khám sức khoẻ định kỳ hằng năm cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non.
3. Tổ chức thực hiện vệ sinh học đường, vệ sinh môi trường, phòng chống các dịch, bệnh, tật học đường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống tai nạn thương tích và thực hiện các hoạt động khác về y tế trường học.
4. Tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về công tác y tế trường học. Lồng ghép các nội dung giáo dục sức khoẻ, vệ sinh học đường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường trong quá trình giảng dạy, tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ em.
5. Tuyên truyền, tư vấn các vấn đề liên quan đến sức khoẻ trẻ em cho cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em. Phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật học hoà nhập theo Chương trình can thiệp sớm và kế hoạch giáo dục cá nhân.
6. Phối hợp với các đơn vị, tổ chức, đoàn thể trong trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, cơ sở y tế, các đơn vị liên quan tại địa phương triển khai, thực hiện các hoạt động y tế trường học và các hoạt động y tế khác, xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp, an toàn.
7. Thực hiện sự chỉ đạo của ngành y tế tại địa phương về chuyên môn, nghiệp vụ.
8. Sơ kết, tổng kết và báo cáo kết quả công tác y tế trường học theo quy định hiện hành.
Chương III
CÁC ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO
Điều 5. Nhân viên làm công tác y tế
1. Số lượng nhân viên làm công tác y tế tại các cơ sở giáo dục mầm non theo quy định hiện hành của Nhà nước.
2. Nhân viên làm công tác y tế có trình độ chuyên môn từ trung cấp y trở lên; Được tham gia các cuộc hội thảo, lớp tập huấn, lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về công tác y tế do ngành giáo dục, ngành y tế và địa phương tổ chức.
Nhân viên làm kiêm nhiệm công tác y tế tại các cơ sở giáo dục mầm non nhất thiết phải qua bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về công tác y tế trường học.
3. Nhân viên làm công tác y tế thuộc biên chế Tổ Văn phòng theo quy định tại Điều lệ trường mầm non, ngoài việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo chức danh còn phải kiêm nhiệm các công việc khác theo quy định; Được hưởng lương, các chế độ, chính sách theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Điều 6. Phòng làm việc của nhân viên làm công tác y tế
1. Mỗi trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ có một phòng làm việc của nhân viên làm công tác y tế (Phòng Y tế) trong khu vực hành chính đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh, diện tích từ 12m2 trở lên, thuận tiện cho công tác sơ cứu, cấp cứu, chăm sóc sức khoẻ ban đầu và vận chuyển trẻ em bị tai nạn và ốm đau đột xuất đến cơ sở y tế.
2. Nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập bố trí địa điểm để thực hiện sơ cứu, cấp cứu, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho trẻ em.
Điều 7. Trang thiết bị và thuốc
1. Phòng Y tế được trang bị các trang thiết bị chuyên môn, thuốc thiết yếu theo quy định của Bộ Y tế; Có giường khám bệnh và lưu trẻ em cần chăm sóc y tế để theo dõi.
2. Có bảng theo dõi tiêm chủng, uống vắc xin và khám sức khoẻ định kỳ cho trẻ em; Phác đồ sơ cứu, cấp cứu một số bệnh và tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em; Tranh ảnh, tài liệu tuyên truyền về chăm sóc sức khoẻ, phòng bệnh cho trẻ em.
3. Được trang bị bàn, ghế, tủ, thiết bị làm việc thông thường khác.
Điều 8. Kinh phí
Kinh phí thực hiện công tác y tế trường học của các cơ sở giáo dục mầm non bao gồm: nguồn kinh phí, nội dung chi, lập dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Trách nhiệm của Ban chỉ đạo liên ngành về công tác y tế trường học (được thành lập theo Quyết định số 73/2007/QĐ-BGDĐT ngày 04 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về hoạt động y tế trong các trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học)
1. Có trách nhiệm chỉ đạo triển khai thực hiện công tác y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non thuộc địa bàn phụ trách.
2. Tăng cường đầu tư về nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất và trang thiết bị cho công tác y tế trường học.
3. Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Quy định này.
Điều 10. Trách nhiệm của sở giáo dục và đào tạo
1. Phối hợp với sở y tế tại địa phương và các đơn vị liên quan trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động y tế trong các cơ sở giáo dục mầm non thuộc địa bàn phụ trách.
2. Trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc các phòng giáo dục và đào tạo thuộc địa bàn phụ trách thực hiện Quy định này.
3. Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc triển khai thực hiện Quy định này đối với phòng giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục mầm non thuộc địa bàn phụ trách.
Điều 11. Trách nhiệm của phòng giáo dục và đào tạo
1. Phối hợp với cơ sở y tế tại địa phương và các đơn vị liên quan trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động y tế trong các cơ sở giáo dục mầm non thuộc địa bàn phụ trách.
2. Trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc các cơ sở giáo dục mầm non thuộc địa bàn phụ trách thực hiện Quy định này.
Điều 12. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục mầm non
1. Chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan, cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em thực hiện các hoạt động y tế trong cơ sở giáo dục mầm non thuộc phạm vi phụ trách.
2. Tổ chức thực hiện các nội dung của Quy định này trong cơ sở giáo dục mầm non./.