Quyết định số 248/QĐ-TTg ngày 24/02/2009

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, CƠ CẤU TỔ CHỨC

CỦA HỘI ĐỒNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG QUỐC GIA

*********

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17 tháng 08 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ việc ban hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam).
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Tổ chức lại Hội đồng Phát triển bền vững quốc gia trên cơ sở sáp nhập Uỷ ban Quốc gia về Thập kỷ giáo dục vì sự Phát triển bền vững của Việt Nam thành một bộ phận trong Hội đồng Phát triển bền vững quốc gia (gọi tắt là Hội đồng), bao gồm;

1. Chủ tịch Hội đồng: Phó Thủ tướng Nguyễn thiện Nhân

2. Phó chủ tịch thường trực: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

3. Phó chủ tịch: Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường

4. Phó chủ tịch: Lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

5. Phó chủ tịch: Lãnh đạo Bộ Ngoại giao

6. Phó chủ tịch: Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo

Các Uỷ viên Hội đồng:

7. Lãnh đạo Bộ kế hoạch và Đầu tư, Uỷ viên kiêm Tổng thư ký Hội đồng

8. Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ

9. Lãnh đạo Bộ Tài chính

10. Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ

11. Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

12. Lãnh đạo Bộ Công thương

13. Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông

14. Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

15. Lãnh đạo Bộ Y tế

16. Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương

17. Lãnh đạo Uỷ ban Khoa bọc, Công nghệ và Môi trường Quốc hội

18. Lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam

19. Lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

20. Lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam

21. Lãnh đạo trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

22. Lãnh đạo hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

23. Lãnh đạo Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam

24. Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

25. Lãnh đạo Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam

26. Lãnh đạo Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam

27. Lãnh đạo Hội Xã hội học Việt Nam

28. Lãnh đạo Đài truyền hình Việt Nam

29. Lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam

30. Lãnh đạo Tổng Công ty Viễn thông quân đội

Điều 2. Nhiệm vụ của Hội đồng:

– Đề xuất với Thủ tướng Chính phủ những mục tiêu, nhiệm vụ, cơ chế, chính sách và giải pháp cần thiết để đảm bảo thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam.

– Đề xuất các chương trình, nhiệm vụ và hoạt động thúc đẩy phát triển bền vững, cũng như hệ thống chỉ số quốc gia về Phát triển bền vững để giám sát, đánh giá quá trình thực hiện.

– Nghiên cứu, đề xuất những giải pháp chỉ đạo về công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về phát triển bền vững; các vấn đề liên quan đến chiến lược, chính sách và chương trình thực hiện giáo dục vì sự phát triển bền vững.

– Tư vấn, đề xuất, giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện những hoạt động liên quan đến những cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với Liên Hợp Quốc và quốc tế trong khuôn khổ hoạt động của thập kỷ giáo dục vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (giai đoạn 2005-2014).

– Tư vấn, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Định hướng phát triển bền vững ở Việt Nam trong phạm vi cả nước.

– Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về công tác giám sát và đánh giá việc thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam. Tổng hợp và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình hoạt động, hợp tác liên quan đến phát triển bền vững ở Việt Nam. Tổng hợp kết quả hoạt động định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

– Thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến phát triển bền vững do thủ tướng Chính phủ giao.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức của Hội đồng

1. Hội đồng gồm có 4 Uỷ ban chuyên môn:

– Uỷ ban phát triển bên vững về kinh tế do Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì;

– Uỷ ban phát triển bền vững về xã hội do Lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội làm chủ tịch;

– Uỷ ban phát triển bền vững về tài nguyên và môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì;

– Uỷ ban về Thập kỷ giáo dục vì sự Phát triển bền vững của Việt Nam do Bộ Ngoại giao chủ trì.

2. Hội đồng hoạt động theo quy chế do Chủ tịch Hội đồng Phát triển Bền vững Quốc gia phê duyệt. Trong quy chế hoạt động của Hội đồng có quy chế hoạt động và cơ cấu tổ chức của các Uỷ ban chuyên môn.

Hội đồng sử dụng con dấu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hội đồng có bộ phận thư ký, hỗ trợ hành chính là Văn phòng phát triển bên vững, đặt tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Văn phòng Phát triển bền vững được sử dụng con dấu và tài khoản riêng. Kinh phí hoạt động của Hội đồng và Văn phòng phát triển bền vững do ngân sách nhà nước bảo đảm, được tính trong ngân sách cấp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và được sử dụng theo quy định tài chính hiện hành.

Điều 4. Hội đồng làm việc theo chế độ hội nghị, tuân theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện theo kết luận của Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó chủ tịch Hội đồng (khi được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền). Các thành viên của Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Riêng Uỷ ban về Thập kỷ giáo dục vì sự Phát triển bền vững của Việt Nam giao Bộ Ngoại giao nghiên cứu, đề xuất quy chế hoạt động, cơ quan giúp việc, kinh phí hoạt động trình Chủ tịch Hội đồng Phát triển bền vững quốc gia xem xét, quyết định.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế các Quyết định 1032/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng phát triển bền vững quốc gia và Quyết định số 295/2005/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Uỷ ban quốc gia về thập kỷ giáo dục vì sự phát triển bền vững của Việt Nam. Các quy định trước đây trái với Quyết định này không còn hiệu lực thi hành.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

THỦ TƯỚNG

Nguyễn Tấn Dũng

 

Tags: , , ,

Comments are closed.