Quyết định số 20/2008/QĐ-BGTVT ngày 02/10/2008

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI SỐ 20/2008/QĐ-BGTVT NGÀY 02 THÁNG 10 NĂM 2008 

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

CỦA CÁC TRẠM KIỂM TRA TẢI TRỌNG XE

******

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 29 tháng 6 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 146/2007/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam,

 

QUYẾT ĐỊNH

 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định tạm thời về tổ chức và hoạt động của các Trạm kiểm tra tải trọng xe”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và bãi bỏ Quyết định số 4212/2001/QĐ-BGTVT ngày 10 tháng 12 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy định về tổ chức hoạt động của các Trạm cân kiểm tra tải trọng xe.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng các Cục thuộc Bộ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

BỘ TRƯỞNG

Hồ Nghĩa Dũng

 


 

QUY ĐỊNH

TẠM THỜI VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TRẠM KIỂM TRA TẢI TRỌNG XE

(ban hành kèm theo Quyết định số 20/2008/QĐ-BGTVT ngày 02/10/2008 của Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải)

  

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Trạm kiểm tra tải trọng xe

1. Trạm kiểm tra tải trọng xe (sau đây gọi chung là Trạm) là điểm giao thông tĩnh trên đường bộ, nơi cơ quan quản lý đường bộ thực hiện việc kiểm tra và xử lý đối với người điều khiển xe ôtô tải, xe máy chuyên dùng (sau đây gọi chung là người điều khiển phương tiện) vi phạm quy định về tải trọng của đường bộ, giới hạn xếp hàng của xe ôtô tải khi tham gia giao thông trên đường bộ.

2. Trạm là bộ phận trực thuộc cơ quan quản lý đường bộ, có trụ sở riêng được sử dụng con dấu riêng và mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước. Kinh phí hoạt động của Trạm được cấp từ nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế đường bộ và các nguồn kinh phí khác.

Điều 2. Quy hoạch, phạm vi của Trạm

1. Trạm được xây dựng theo quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Phạm vi của Trạm trên đường bộ được xác định từ vị trí cắm biển báo “Trạm kiểm tra tải trọng xe” đến vị trí cắm biển báo “Trạm kiểm tra tải trọng xe” trên hướng ngược lại.

Điều 3. Các lực lượng hoạt động tại Trạm

1. Các lực lượng hoạt động tại Trạm bao gồm:

a. Lực lượng trực tiếp điều hành Trạm;

b. Lực lượng phối hợp gồm: Thanh tra Cục Đường bộ Việt Nam, Thanh tra Sở Giao thông vận tải, Công an, Kiểm soát quân sự.

2. Các lực lượng hoạt động tại Trạm làm việc theo Quy chế phối hợp do Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có Trạm ban hành.


Chương II

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA TRẠM KIỂM TRA TẢI TRỌNG XE

 

Điều 4. Nhiệm vụ của Trạm

Kiểm tra tại Trạm các xe ôtô tải, xe máy chuyên dùng về việc tuân thủ các quy định tại: Quyết định số 60/2007/QĐ-BGTVT ngày 07 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải “ban hành Quy định về giới hạn xếp hàng của xe ôtô tải tham gia giao thông trên đường bộ và công bố tải trọng của đường bộ”. Quyết định số 63/2007/QĐ-BGTVT ngày 28 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải “ban hành Quy định về vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng và lưu hành xe bánh xích gây hư hại mặt đường, xe quá tải, quá khổ giới hạn của đường bộ trên đường bộ”.

Điều 5. Quyền của Trạm

1. Phát tín hiệu, hiệu lệnh yêu cầu người điều khiển đưa xe vào nơi quy định để kiểm tra khi phát hiện xe có dấu hiệu quá tải, quá khổ giới hạn an toàn đường bộ, xe bánh xích gây hư hại mặt đường.

2. Yêu cầu người điều khiển phương tiện xuất trình giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giấy phép lưu hành xe quá tải, quá khổ trên đường bộ, giấy phép lưu hành xe bánh xích tự hành trên đường bộ.

3. Thực hiện việc kiểm tra về giới hạn xếp hàng đối với xe ôtô tải, việc tuân thủ các quy định trong giấy phép lưu hành xe quá tải, quá khổ, xe bánh xích tự hành trên đường bộ.

4. Lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp hành vi vi phạm có mức phạt vượt quá thẩm quyền thì chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm đến cấp có thẩm quyền để ra quyết định xử phạt.

5. Đình chỉ lưu hành phương tiện cho đến khi người vi phạm thực hiện xong các biện pháp khắc phục được quy định tại điểm a khoản 4 Điều 28 và điểm a khoản 4 Điều 37 Nghị định số 146/2007/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Kiểm tra các xe không thuộc đối tượng quy định tại Điều 4 của Quy định này.

2. Lợi dụng việc kiểm tra xe để thu giữ hàng hóa vận chuyển trên xe.

3. Sách nhiễu, gây phiền hà, nhận hối lộ của chủ xe, người điều khiển phương tiện hoặc người môi giới; có thái độ hống hách, thiếu văn hóa hoặc có hành vi gây tổn hại đến thân thể, sức khoẻ, tài sản của người điều khiển và người đi theo xe.

4. Cho phép xe vi phạm tiếp tục lưu hành khi người điều khiển phương tiện chưa thực hiện xong các biện pháp khắc phục theo quy định tại khoản 5 Điều 5 của quy định này.


Chương III

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRẠM KIỂM TRA TẢI TRỌNG XE

Điều 7. Các chức danh, biên chế của lực lượng trực tiếp điều hành Trạm

1. Các chức danh của lực lượng trực tiếp điều hành Trạm bao gồm:

a. Trạm trưởng, Phó trạm trưởng, các ca trưởng;

b. Các nhân viên và nhân viên kỹ thuật của Trạm.

2. Việc bổ nhiệm các chức danh quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định của Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam (đối với các Trạm thuộc Cục Đường bộ Việt Nam) hoặc Giám đốc Sở Giao thông vận tải (đối với các Trạm thuộc Sở Giao thông vận tải)

3. Biên chế của lực lượng trực tiếp điều hành Trạm:

a. Trạm thuộc Cục Đường bộ Việt Nam: Bộ Giao thông vận tải phê duyệt theo đề nghị của Cục Đường bộ Việt Nam;

b. Trạm thuộc Sở Giao thông vận tải: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt theo đề nghị của Sở Giao thông vận tải.

Điều 8. Nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng hoạt động tại Trạm

1. Cán bộ, nhân viên, thành viên thuộc lực lượng phối hợp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo phân công của Trạm trưởng trên cơ sở Quy chế phối hợp quy định tại khoản 2 Điều 3 của Quy định này, chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi của mình.

2. Các thành viên thuộc lực lượng phối hợp ngoài việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này còn phải chịu trách nhiệm trước cơ quan trực tiếp quản lý đã cử thành viên đến tham gia làm việc tại Trạm.

Điều 9. Trang phục, phù hiệu của các lực lượng hoạt động tại Trạm

1. Cán bộ, nhân viên, thành viên thuộc lực lượng phối hợp, trong khi thực hiện nhiệm vụ phải mặc đồng phục, đeo phù hiệu theo chức danh và quy định của từng ngành.

2. Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam quy định về đồng phục, phù hiệu của các chức danh thuộc lực lượng trực tiếp điều hành Trạm.

Điều 10. Chế độ chính sách đối với các lực lượng hoạt động tại Trạm

1. Cán bộ, nhân viên thuộc lực lượng trực tiếp điều hành Trạm được hưởng mọi chế độ chính sách theo quy định hiện hành.

2. Các thành viên thuộc lực lượng phối hợp được hưởng lương và phụ cấp do cơ quan cử người trả. Phụ cấp làm việc tại Trạm (nếu có) do cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý Trạm giải quyết theo quy định hiện hành.

Điều 11. Thời gian hoạt động của Trạm

Trạm hoạt động 24/24 giờ vào tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ và ngày lễ. Trong trường hợp vì lý do sự cố kỹ thuật hoặc thiên tai Trạm phải ngừng hoạt động, Trạm trưởng phải báo cáo ngay lên cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý Trạm không quá 01 giờ, kể từ khi Trạm ngừng hoạt động.


Chương IV

CƠ SỞ VẬT CHẤT, TRANG BỊ KỸ THUẬT, QUY TRÌNH KỸ THUẬT KIỂM TRA XE CỦA TRẠM KIỂM TRA TẢI TRỌNG XE

Điều 12. Cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật của Trạm

1. Cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật cơ bản của Trạm bao gồm:

a. Cân tĩnh, cân động, thiết bị đo kích thước xe, thiết bị điện tử và thiết bị tin học kèm theo;

b. Máy ảnh, camera, các biển báo hiệu;

c. Phương tiện giao thông, xe máy chuyên dùng cần thiết khác;

d. Đường dẫn vào cân tĩnh;

đ. Bãi để đỗ phương tiện vi phạm bị đình chỉ lưu hành và để hạ phần quá tải, dỡ phần quá khổ quy định tại khoản 5 Điều 5 của Quy định này.

e. Nhà làm việc, nhà nghỉ, nhà ăn và các công trình phụ trợ khác.

2. Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam quy định cụ thể về cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật của từng Trạm.

Điều 13. Quy trình kỹ thuật kiểm tra xe tại Trạm

Quy trình kỹ thuật kiểm tra xe tại Trạm thực hiện theo hướng dẫn của Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam.


Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 14. Chế độ báo cáo

Định kỳ hàng quý, 6 tháng, hàng năm, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông vận tải kết quả hoạt động của các Trạm trong phạm vi cả nước.

Điều 15. Thanh tra, kiểm tra

Việc thanh tra, kiểm tra hoạt động của Trạm thực hiện theo Quy định này và quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra.

Điều 16. Tổ chức thực hiện

Cục Đường bộ Việt Nam, các Sở Giao thông vận tải quản lý Trạm chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy định này.

 

 

 

 

Tags: , , ,

Comments are closed.