Quyết định số 08/2008/QĐ-KTNN ngày 19/12/2008 của Kiểm toán Nhà nước. Quy định lập và ban hành kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán Nhà nước
QUYẾT ĐỊNH
Kiểm toán Nhà nước số 08/2008/QĐ-KTNN ngày 19 tháng 12 năm 2008
Ban hành quy định lập và ban hành kế hoạch kiểm toán năm
của Kiểm toán Nhà nước
TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
Căn cứ Luật Kiểm toán nhà nước;
Căn cứ Nghị quyết số 916/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 15 tháng 9 năm 2005 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Kiểm toán Nhà nước;
Căn cứ Nghị quyết số 1053/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 10/11/2006 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải thích khoản 6 Điều 19 của Luật Kiểm toán nhà nước;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định lập và ban hành kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán Nhà nước.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
Vương Đình Huệ
QUY ĐỊNH
Lập và ban hành kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán Nhà nước
(Ban hành kèm theo Quyết định số 08 /2008/QĐ-KTNN ngày 19 /12/2008 của Tổng Kiểm toán Nhà nước)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về trình tự, thủ tục lập, thẩm định và ban hành kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán Nhà nước, nhiệm vụ và trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc lập, thẩm định và ban hành kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán Nhà nước.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với các Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành, Kiểm toán Nhà nước khu vực, Vụ Tổng hợp, Vụ Pháp chế, các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc lập, thẩm định và ban hành kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán Nhà nước.
Điều 3. Nguyên tắc thực hiện
Việc lập và ban hành kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán Nhà nước phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
1. Việc lập và ban hành kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán Nhà nước nhằm phục vụ việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.
2. Phù hợp quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
3. Bảo đảm tính hệ thống, toàn diện và khả thi.
4. Đảm bảo sự phối hợp tốt với các cơ quan trong hệ thống thanh tra, kiểm tra của Đảng và Nhà nước.
5. Dự phòng nhân lực và quỹ thời gian thích hợp để thực hiện các nhiệm vụ đột xuất do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu và các nhiệm vụ đột xuất khác.
Điều 4. Căn cứ lập kế hoạch kiểm toán năm
1. Căn cứ Luật Kiểm toán nhà nước.
2. Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm, kế hoạch trung hạn và dài hạn; về dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương; Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước; các văn bản chỉ đạo điều hành ngân sách của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính.
3. Căn cứ yêu cầu thực tiễn và năng lực thực tế của Kiểm toán Nhà nước.
Điều 5. Tiêu chí lựa chọn nội dung kiểm toán, đơn vị được kiểm toán
Khi lựa chọn đơn vị được kiểm toán hay nội dung kiểm toán cần đảm bảo ít nhất một trong các yêu cầu sau:
1. Đơn vị chưa được kiểm toán hoặc có khoảng cách thời gian dài kể từ lần kiểm toán trước;
2. Đối với các đơn vị dự toán cấp I thuộc ngân sách trung ương, các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương sẽ thực hiện kiểm toán từ 2 đến 3 năm một lần; trong đó, các đơn vị có quy mô ngân sách lớn sẽ thực hiện kiểm toán hàng năm;
3. Đơn vị được kiểm toán hay nội dung kiểm toán có một tỉ trọng tài chính nhất định, vừa đảm bảo đủ mẫu kiểm toán, vừa đảm bảo những đánh giá về khả năng tiết kiệm chi và cải thiện nguồn thu;
4. Đơn vị được kiểm toán hay nội dung kiểm toán chứa đựng những nội dung có khả năng dễ xảy ra sai sót;
5. Đang được Quốc hội, Chính phủ hoặc dư luận xã hội quan tâm;
6. Các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm gắn với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của Trung ương, địa phương.
Điều 6. Trách nhiệm của các đơn vị tham mưu
1. Hàng năm, Vụ Tổng hợp có trách nhiệm tổng hợp đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch kiểm toán năm hiện tại của Kiểm toán Nhà nước; tham mưu giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch kiểm toán năm; đôn đốc các Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành và Kiểm toán Nhà nước khu vực lập và hoàn chỉnh kế hoạch kiểm toán năm theo đúng quy định; tổ chức lấy ý kiến các cơ quan hữu quan và hoàn thiện dự thảo kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán Nhà nước trình Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành; chịu trách nhiệm trước Tổng Kiểm toán Nhà nước về chất lượng và tiến độ xây dựng kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán Nhà nước theo quy định.
2. Vụ Pháp chế có trách nhiệm thẩm định bảo đảm tính hợp pháp của dự thảo kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán Nhà nước.
3. Văn phòng Kiểm toán Nhà nước thực hiện nhiệm vụ thư ký, giúp việc cho lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước và hành chính trong việc xét duyệt, hoàn chỉnh và ban hành Kế hoạch kiểm toán năm.
Điều 7. Trách nhiệm của Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành và Kiểm toán Nhà nước khu vực
1. Tổ chức đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch kiểm toán năm hiện tại, trong đó phân tích rõ kết quả đã làm được và những khó khăn, tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện, nguyên nhân tồn tại và các giải pháp khắc phục.
2. Tổ chức thu thập thông tin về các đơn vị dự kiến kiểm toán; rà soát, đánh giá về lực lượng kiểm toán viên và lãnh đạo đoàn kiểm toán theo từng chức danh. Xây dựng kế hoạch kiểm toán năm của đơn vị mình (kế hoạch chính thức; kế hoạch dự phòng).
3. Tạo điều kiện để kiểm toán viên tham gia đề xuất về kế hoạch kiểm toán năm.
4. Chịu trách nhiệm trước Tổng Kiểm toán Nhà nước về những sai sót trong kế hoạch kiểm toán liên quan đến nội dung thuộc phạm vi của đơn vị mình.
Chương II
TRÌNH TỰ LẬP, THẨM ĐỊNH VÀ BAN HÀNH KẾ HOẠCH KIỂM TOÁN NĂM
Điều 8. Trình tự các bước lập, thẩm định và ban hành kế hoạch kiểm toán năm
Việc lập, thẩm định và ban hành Kế hoạch kiểm toán năm gồm các bước sau:
1. Khảo sát và thu thập thông tin;
2. Lập dự thảo kế hoạch kiểm toán năm;
3. Tổ chức thẩm định, lấy ý kiến và hoàn thiện dự thảo kế hoạch kiểm toán năm;
4. Ban hành kế hoạch kiểm toán năm.
Điều 9. Khảo sát và thu thập thông tin
1. Trước ngày 20 tháng 6 hàng năm, Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch kiểm toán cho năm sau.
2. Tổ chức khảo sát: Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành và Kiểm toán Nhà nước khu vực có trách nhiệm khảo sát, thu thập thông tin phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch kiểm toán năm thuộc lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi được phân công. Việc khảo sát và thu thập thông tin để lập kế hoạch kiểm toán năm thực hiện chủ yếu thông qua các bộ, ngành quản lý tổng hợp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính;…) và gửi công văn đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bộ, ngành, doanh nghiệp nhà nước cung cấp. Không trực tiếp tiến hành khảo sát lập kế hoạch kiểm toán ngân sách tại các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đối với các dự án, các chương trình mục tiêu quốc gia, các doanh nghiệp nhà nước khi cần thiết phải đến trực tiếp để khảo sát nắm tình hình phải được sự đồng ý của lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước trước khi thực hiện. Thời gian hoàn thành trước ngày 10 tháng 7 hàng năm.
3. Các thông tin chủ yếu cần thu thập:
a) Tên đầy đủ và chính xác (viết tắt nếu có) của đơn vị dự kiến kiểm toán, cơ quan chủ quản cấp trên (nếu có).
b) Về tình hình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán: cơ quan, đơn vị thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; thời kỳ thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán (nếu có).
c) Những thông tin cơ bản về đơn vị được kiểm toán và đối tượng kiểm toán:
– Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: số lượng các huyện, thị trực thuộc; số lượng các đơn vị dự toán cấp 1 trực thuộc ngân sách tỉnh, số lượng các doanh nghiệp nhà nước (kể cả các công ty cổ phần nhà nước giữ 51% vốn trở lên); số lượng các dự án đầu tư xây dựng được bố trí vốn từ ngân sách nhà nước năm hiện tại, các dự án chưa hoàn thành hoặc đã hoàn thành năm trước nhưng không được bố trí vốn trong năm hiện tại và các dự án hoàn thành được phê duyệt quyết toán, chưa được phê duyệt quyết toán trong năm hiện tại;
– Đối với các bộ, ngành ở Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an: số lượng các đơn vị dự toán cấp 2, 3 trực thuộc, số lượng các doanh nghiệp nhà nước, các công ty cổ phần nhà nước giữ 51% vốn trở lên; số lượng các dự án đầu tư xây dựng được bố trí vốn từ ngân sách nhà nước năm hiện tại (kể cả các dự án chưa hoàn thành hoặc đã hoàn thành năm trước nhưng không được bố trí vốn trong năm hiện tại) và các dự án hoàn thành được phê duyệt quyết toán, chưa được phê duyệt quyết toán trong năm hiện tại;
– Đối với các dự án đầu tư xây dựng: số lượng các công trình, hạng mục công trình của dự án (trong đó đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng); số lượng các gói thầu của dự án (trong đó tổ chức đấu thầu, chỉ định thầu);
– Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia: đơn vị chủ trì, số lượng các đơn vị tham gia thực hiện chương trình, chức năng nhiệm vụ của các đơn vị;
– Đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước: số lượng các đơn vị thành viên (trong đó hạch toán độc lập, hạch toán phụ thuộc, công ty cổ phần nhà nước giữ 51% vốn trở lên);
– Đối với tổ chức tài chính ngân hàng: số lượng các đơn vị thuộc và trực thuộc, chức năng nhiệm vụ của các đơn vị thuộc và trực thuộc.
d) Về tình hình tài chính
– Đối với các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an: dự toán và thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm trước; dự toán và ước thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm hiện tại;
– Đối với các dự án đầu tư xây dựng: địa điểm xây dựng công trình; tổng mức đầu tư và tổng dự toán được duyệt; cấp quyết định; thời gian khởi công và hoàn thành (nếu có); nguồn vốn; giá trị khối lượng xây dựng đã hoàn thành và tổng số vốn đã giải ngân;
– Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia: tổng kinh phí được duyệt (ngân sách nhà nước, viện trợ…); kinh phí đã phân bổ; kinh phí đã giải ngân;
– Đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tổ chức tài chính ngân hàng: tổng nguồn vốn (trong đó vốn góp của nhà nước); tổng doanh thu, chi phí; kết quả kinh doanh; các khoản phải nộp ngân sách nhà nước (số đầu năm, số phát sinh trong năm, số cuối năm);
– Đối với các cuộc kiểm toán chuyên đề cần phải xác định rõ, chính xác đầu mối quản lý tài chính và giai đoạn kiểm toán (01 năm hay nhiều năm).
đ) Tình hình thực hiện dự án, chương trình mục tiêu quốc gia.
Điều 10. Lập dự thảo kế hoạch kiểm toán năm
1. Trên cơ sở kết quả khảo sát và thu thập thông tin, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành và Kiểm toán Nhà nước khu vực dự kiến kế hoạch kiểm toán năm sau của đơn vị mình (kèm theo phụ lục số 01, 02, 03 và 04a, 04b, 04c, 04d) trình Tổng Kiểm toán Nhà nước (qua Vụ Tổng hợp). Thời gian hoàn thành trước ngày 15 tháng 7 hàng năm.
Kế hoạch kiểm toán năm phải xác định rõ các nội dung sau:
– Mục tiêu kiểm toán trọng tâm, các mục tiêu và nội dung kiểm toán tổng hợp;
– Danh mục các đơn vị dự kiến kiểm toán chính thức và các đơn vị dự phòng (các đơn vị dự phòng sắp xếp theo trình tự ưu tiên; số lượng các đơn vị dự phòng không quá 30% số các đơn vị trong kế hoạch chính thức); bản thuyết minh các tiêu thức lựa chọn đơn vị dự kiến kiểm toán chính thức và dự phòng.
2. Vụ Tổng hợp có trách nhiệm xem xét, kiểm tra dự kiến kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành và Kiểm toán Nhà nước khu vực để bảo đảm các yêu cầu theo chỉ đạo của Tổng Kiểm toán Nhà nước; tổng hợp ý kiến đề xuất của Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành và Kiểm toán Nhà nước khu vực để xây dựng dự thảo Kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán Nhà nước, trình lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước xem xét, cho ý kiến.
3. Trường hợp cần thiết, Tổng Kiểm toán Nhà nước tổ chức cuộc họp với các đơn vị liên quan về dự kiến kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán Nhà nước.
Điều 11. Thẩm định, lấy ý kiến và hoàn thiện dự thảo kế hoạch kiểm toán năm
1. Vụ Tổng hợp hoàn chỉnh Kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán Nhà nước trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Tổng Kiểm toán Nhà nước; trình Tổng Kiểm toán Nhà nước ký gửi dự thảo lấy ý kiến của các cơ quan hữu quan. Thời gian hoàn thành trước ngày 01 tháng 10 hàng năm.
2. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các cơ quan hữu quan, Vụ Tổng hợp hoàn thiện dự thảo Kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán Nhà nước trình Tổng Kiểm toán Nhà nước ký ban hành. Thời gian hoàn thành trước ngày 15 tháng 11 hàng năm.
3. Vụ Pháp chế có trách nhiệm thẩm định tính pháp lý của dự thảo Kế hoạch kiểm toán năm trước khi trình Tổng Kiểm toán Nhà nước ký ban hành.
Điều 12. Ban hành kế hoạch kiểm toán năm
1. Kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán Nhà nước được Tổng Kiểm toán Nhà nước ký ban hành trước ngày 31 tháng 12 hàng năm.
2. Kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán Nhà nước sau khi được Tổng Kiểm toán Nhà nước ký ban hành được gửi đăng Công báo theo quy định.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. Hiệu lực thi hành
Quy định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 14. Trách nhiệm thi hành
1. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước và các tổ chức, các nhân có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy định này; trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị phản ánh về Kiểm toán Nhà nước (qua Vụ Tổng hợp) để trình Tổng Kiểm toán Nhà nước xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
2. Vụ Tổng hợp chủ trì phối hợp với các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước có liên quan theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy định này và định kỳ tổng hợp báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước./.