Quyết định số 04/2009/QĐ-UBND ngày 14/01/2009

UỶ BAN NHÂN DÂN

TỈNH KON TUM

___________

Số: 04/2009/QĐ-UBND

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

_____________________

Kon Tum, ngày 14 tháng 01 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

Về việc thực hiện công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình

đến năm 2010 trên địa bàn tỉnh Kon Tum

__________

 

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

 

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Pháp lệnh Dân số ngày 09/01/2003;

Căn cứ Quyết định số 147/2000/QĐ-TTg ngày 22/12/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2001-2010;

Căn cứ Quyết định số 09/2006/QĐ-TTg ngày 10/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 22/3/2005 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình;

Căn cứ Quyết định số 170/2007/QĐ-TTg ngày 08/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia dân số và kế hoạch hoá gia đình giai đoạn 2006-2010;

Căn cứ Chỉ thị số 23/2008/CT-TTg ngày 04/8/2008 và Công văn số 1545/TTg-KGVX ngày 17/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ về công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình;

Căn cứ Nghị quyết chuyên đề số 15/2008/NQ-HĐND ngày 16/12/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum khoá IX, kỳ họp thứ 11 về công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình đến năm 2010 trên địa bàn tỉnh Kon Tum;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế,

 

QUYẾT ĐỊNH

 

Điều 1. Quy định việc thực hiện công tác dân số và kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ) đến năm 2010 trên địa bàn tỉnh Kon Tum với một số nội dung chủ yếu sau:

 

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát: Tiếp tục duy trì xu thế giảm sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên để quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ và tinh thần nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và sự phát triển bền vững của đất nước.

2. Mục tiêu cụ thể:

– Quy mô dân số khoảng dưới 45 vạn người;

– Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hàng năm 1‰, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 16‰;

– Giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 xuống dưới 20%;

– Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 66,5%;

– Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 05 tuổi giảm còn 25%, tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 05 tuổi giảm còn 43‰.

II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Công tác tuyên truyền, giáo dục chuyển đổi hành vi

Triển khai đồng bộ, thường xuyên các hoạt động tuyên truyền, vận động, giáo dục và tư vấn về DS – KHHGĐ với nội dung và hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng, điều kiện kinh tế – xã hội và văn hoá của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh, nhằm góp phần nâng cao nhận thức, tạo môi trường thuận lợi về chính sách, nguồn lực và dư luận xã hội thúc đẩy mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng dân cư chủ động, tự nguyện chuyển đổi hành vi để thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về DS – KHHGĐ. Tập trung các hoạt động tuyên truyền, vận động, giáo dục và tư vấn ở vùng nông thôn đông dân có mức sinh chưa ổn định, vùng có mức sinh cao, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng hình thức vận động, tư vấn trực tiếp cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nam và nữ thanh niên. Nâng cao chất lượng giáo dục dân số trong nhà trường.

2. Về dịch vụ KHHGĐ

2.1. Đáp ứng đầy đủ, kịp thời, an toàn, chất lượng và thuận tiện dịch vụ KHHGĐ cho mọi đối tượng sử dụng dịch vụ, nhằm thực hiện các mục tiêu KHHGĐ, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Ưu tiên cung cấp dịch vụ KHHGĐ cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ở vùng nông thôn đông dân có mức sinh chưa ổn định, vùng có mức sinh cao, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

2.2. Đáp ứng chất lượng, đầy đủ, kịp thời phương tiện tránh thai cho mọi đối tượng sử dụng, góp phần thực hiện mục tiêu giảm sinh và phòng, chống HIV/AIDS. Tăng tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ.

2.3. Tổ chức các đội cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản/KHHGĐ tuyến tỉnh, tuyến huyện để hỗ trợ kỹ thuật và thực hiện đáp ứng dịch vụ sức khỏe sinh sản/KHHGĐ cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong các đợt Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ sức khỏe sinh sản/KHHGĐ đến vùng đông dân, có mức sinh cao và vùng khó khăn.

3. Về tổ chức bộ máy và quản lý công tác DS-KHHGĐ

3.1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác DS-KHHGĐ; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa ngành y tế và các ban, ngành, đoàn thể; thành lập Ban chỉ đạo DS-KHHGĐ cấp tỉnh, huyện và kiện toàn Ban DS-KHHGĐ cấp xã nhằm huy động sự tham gia của toàn xã hội, các cấp, các ngành trong việc thực hiện công tác DS-KHHGĐ.

3.2. Tập trung sắp xếp, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân lực làm công tác DS-KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở theo tinh thần Công điện số 695/CĐ-TTg ngày 09/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư liên tịch số 03/2008/TLT-BYT-BNV ngày 25/4/2008 của liên Bộ: Y tế – Nội vụ và Thông tư số 05/2008/TT-BYT ngày 14/5/2008 của Bộ Y tế.

4. Nâng cao chất lượng thông tin quản lý chuyên ngành DS-KHHGĐ

4.1. Cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin, số liệu chuyên ngành DS-KHHGĐ, đáp ứng yêu cầu quản lý và điều hành chương trình tại các cấp quản lý, góp phần xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

4.2. Tiếp tục hoàn thiện kho thông tin điện tử cấp huyện và cấp tỉnh.

5. Triển khai các mô hình, giải pháp can thiệp nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số

5.1. Từng bước triển khai các mô hình, giải pháp can thiệp nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số, đặc biệt các mô hình về xã hội nhằm loại bỏ hoặc thay đổi phong tục, tập quán lạc hậu làm suy thoái chất lượng giống nòi, quan tâm đến một số dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân, có chất lượng dân số thấp. Thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống suy dinh dưỡng, giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi và tỷ lệ tử vong mẹ. 

5.2. Đẩy mạnh việc đưa chính sách DS-KHHGĐ vào hương ước, qui ước thôn, làng, tổ dân phố; xây dựng mô hình thôn, làng, tổ dân phố không có người sinh con thứ 3 trở lên. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm kiểm soát và duy trì tỷ suất giới tính khi sinh phù hợp; đẩy mạnh việc tuyên tuyền, phổ biến pháp luật về cấm chẩn đoán giới tính thai nhi.

6. Xử lý vi phạm: Xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên vi phạm chính sách DS-KHHGĐ theo qui định của pháp luật.

 

III. ĐỐI TƯỢNG VÀ MỨC HỖ TRỢ

1. Đối tượng mức hỗ trợ

– Thù lao cho Trưởng Ban DS-KHHGĐ cấp xã: 40.000 đồng/người/tháng.

– Thù lao cho cộng tác viên DS-KHHGĐ: 20.000 đồng/người/tháng.

– Bồi dưỡng cho người tự nguyện đình sản: 300.000 đồng/ca.

– Hỗ trợ tiền tàu xe cho đối tượng tự nguyện đình sản, cộng tác viên DS-KHHGĐ, cán bộ DS-KHHGĐ cấp xã từ nơi ở đến nơi thực hiện phẫu thuật, tập huấn và ngược lại:

  + Khu vực 1:   40.000 đồng/người.

  + Khu vực 2:   80.000 đồng/người.

  + Khu vực 3: 110.000 đồng/người.

– Hỗ trợ vật tư tiêu hao cho việc siêu âm, xét nghiệm miễn phí phục vụ công tác tư vấn: Không quá 45.000.000 đồng/năm.

– Hỗ trợ Đội dịch vụ lưu động cấp tỉnh, huyện thực hiện đợt 2 Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép với dịch vụ sức khoẻ sinh sản/KHHGĐ tại các xã đông dân, có mức sinh cao và khó khăn: Không quá 70.000.000 đồng/năm.

– Hỗ trợ tổ chức Hội nghị điển hình trong công tác DS-KHHGĐ: Thực hiện theo quy định hiện hành.

2. Nguồn kinh phí thực hiện: Cân đối từ ngân sách hàng năm của tỉnh.

 

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

1.1. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch hàng năm để triển khai đạt hiệu quả công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh.

1.2. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động và giáo dục về công tác DS-KHHGĐ; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế về sức khỏe sinh sản/KHHGĐ, chú trọng nâng cao chất lượng tư vấn cho đối tượng có nhu cầu sử dụng dịch vụ này. Từng bước triển khai các dịch vụ y tế về nâng cao chất lượng dân số phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương; có biện pháp quản lý việc chẩn đoán giới tính thai nhi theo qui định của pháp luật, kiểm soát và duy trì tỷ suất giới tính khi sinh ở mức phù hợp.

1.3. Phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về DS-KHHGĐ.

2. Sở Nội vụ

2.1. Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các đơn vị liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh sắp xếp, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân lực làm công tác DS-KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở; thành lập Ban chỉ đạo DS-KHHGĐ cấp tỉnh, huyện và kiện toàn Ban DS-KHHGĐ cấp xã theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

2.2. Hướng dẫn, triển khai chỉ tiêu thực hiện chính sách DS-KHHGĐ thành một tiêu chuẩn để đánh giá thi đua, xét danh hiệu và hình thức khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân theo quy định.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính

3.1. Phối hợp với Sở Y tế và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh lồng ghép các yếu tố dân số vào chương trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

3.2. Hàng năm, tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh bố trí kinh phí để triển khai thực hiện Chương trình DS-KHHGĐ, trong đó có ngân sách tỉnh đầu tư thêm cho Chương trình. Đồng thời hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình theo đúng quy định.

4. Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh: Hướng dẫn, chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách DS-KHHGĐ đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng; xử lý nghiêm, theo thẩm quyền và qui định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm chính sách này.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo: Triển khai hiệu quả hoạt động giáo dục về dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, giới và giới tính trong và ngoài trường học.

6. Sở Thông tin và Truyền thông: Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục; kịp thời phản ánh gương người tốt, việc tốt và phê phán những tập thể, cá nhân vi phạm chính sách DS-KHHGĐ.

7. Sở Tư pháp: Phối hợp và hướng dẫn Sở Y tế trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về DS-KHHGĐ; phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã hướng dẫn việc đưa nội dung DS- KHHGĐ vào hương ước, qui ước của thôn, làng, tổ dân phố, địa bàn dân cư.

8. Cục Thống kê tỉnh: Thu thập, cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác các số liệu về DS-KHHGĐ cho các cơ quan có liên quan vào quý IV hàng năm, nhằm phục vụ chỉ đạo, quản lý Chương trình DS-KHHGĐ và việc xây dựng chính sách phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

9. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã

9.1. Chỉ đạo, tổ chức triển khai có hiệu quả công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn quản lý; kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện chính sách DS-KHHGĐ trong thời gian qua, có kế hoạch chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, hạn chế; tiếp tục thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục và đáp ứng nhu cầu dịch vụ sức khoẻ sinh sản/KHHGĐ của người dân.

9.2. Xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên do địa phương quản lý vi phạm chính sách DS-KHHGĐ theo quy định hiện hành.

9.3. Phối hợp với Sở Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn việc đưa nội dung DS-KHHGĐ vào hương ước, qui ước của thôn, làng, tổ dân phố, khu dân cư.

10. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên: Tăng cường tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ. Xây dựng qui chế, qui định thực hiện chính sách DS-KHHGĐ đối với các đơn vị thành viên; biểu dương, khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân thực hiện tốt và xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm. Hướng dẫn, chỉ đạo việc đưa nội dung thực hiện chính sách DS-KHHGĐ gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và hương ước, qui ước của thôn, làng, tổ dân phố, khu dân cư.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành. Các quy định trước đây trái với quy định tại Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Y tế; Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

(Đã ký)

Trương Thị Ngọc Ánh

 

Tags: , , ,

Comments are closed.