Quyết định 2370/QĐ/BNN-KL ngày 05/08/2008

BỘ NÔNG NGHIỆP

VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Số:  2370/QĐ/BNN-KL

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 05 tháng 8 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt Đề án về chương trình đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng

hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam giai đoạn 2008 – 2020

 

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 3/1/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Kiểm lâm tại Công văn số: 499/KL-BTTN ngày 30 tháng 5 năm 2008 về phê duyệt Đề án tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng hệ thống khu rừng đặc dụng Việt Nam giai đoạn 2008 – 2020.

 

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Về chương trình đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam giai đoạn 2008 – 2020” với các nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu

Đến năm 2020, hoàn thành cơ bản việc xây dựng cơ sở hạ tầng và thiết lập hệ thống quản lý bảo vệ có hiệu quả diện tích 2,2 triệu ha rừng và đất rừng được quy hoạch cho hệ thống rừng đặc dụng trên phạm vi cả nước; đảm bảo quản lý và sử dụng bền vững diện tích rừng đặc dụng hiện có, góp phần nâng tỷ lệ đất có rừng của cả nước lên 42 – 43% vào năm 2010 và 47% vào năm 2020.

2. Các nội dung chủ yếu của Đề án

2.1. Xác định nhu cầu đầu tư quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong hệ thống rừng đặc dụng

a) Nhu cầu đầu tư bảo vệ và phát triển rừng trong hệ thống rừng đặc dụng

– Bảo vệ hệ thống rừng đặc dụng ổn định đến năm 2020, bao gồm 164 khu với tổng diện tích tự nhiên là 2.265.753 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp là 2.198.743 ha (đất có rừng là 1.941.452 ha, đất không có rừng là 257.291 ha); diện tích mặt biển là 67.010 ha.

– Phát triển bền vững hệ thống rừng đặc dụng chủ yếu thông qua bảo tồn nguyên trạng, tạo môi trường tốt nhất để bảo tồn rừng, bảo tồn và phát triển các loài động, thực vật quý hiếm, các hệ sinh thái đặc thù nhằm nâng cao chất lượng rừng và giá trị đa dạng sinh học trong hệ thống rừng đặc dụng.

– Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên và phục hồi rừng trên diện tích đất trống không có khả năng tái sinh tự nhiên; quy hoạch đồng cỏ, bãi đất trống cho phát triển động vật rừng hoặc tiến hành khoanh nuôi tái sinh tự nhiên kết hợp với trồng rừng bổ sung các loài cây bản địa là giải pháp chủ yếu trong phát triển rừng đối với các khu rừng đặc dụng.

b) Nhu cầu đầu tư điều tra, quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng

– Điều tra, đánh giá hiện trạng rừng, đa dạng sinh học và phân bố khu hệ động thực vật rừng quý hiếm, đặc hữu làm cơ sở quản lý bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên đa dạng sinh học ở hệ thống khu rừng đặc dụng.

– Điều tra, đánh giá tình hình xâm hại rừng của các loài sinh vật ngoại lai hoặc nghiên cứu xây dựng phương án xử lý thực bì (đốt dọn) để giảm thiểu nguy cơ cháy rừng, tạo nguồn thức ăn cho động vật hoang dã ở một số Vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên.

– Quy hoạch tổng thể phát triển Vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên; quy hoạch phát triển du lịch sinh thái; quy hoạch điều chỉnh phân khu chức năng ở các khu rừng đặc dụng; giữ diện tích phân khu bảo vệ nghiêm ngặt ở mức vừa đủ, chú trọng đầu tư ở phân khu phục hồi sinh thái nhằm tái tạo lại rừng, tăng cường khả năng bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm, đáp ứng được mục tiêu quản lý riêng của từng khu rừng đặc dụng và mục tiêu chung của chiến lược quản lý hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam.

2.2. Xác định nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hệ thống rừng đặc dụng

a) Xây dựng công trình cơ sở hạ tầng phục vụ công tác quản lý các khu rừng đặc dụng

– Xây dựng, nâng cấp trụ sở làm việc của Ban quản lý: Tổng diện tích xây dựng trụ sở làm việc Ban quản lý mỗi khu rừng đặc dụng với diện tích bình quân 900m2, bao gồm: Phòng làm việc 500m2, hội trường lớn 200m2, phòng họp nhỏ 50m2, kho quỹ, tư liệu: 100m2;

– Xây dựng, nâng cấp các trạm quản lý bảo vệ rừng, bình quân một trạm quản lý từ 3.000ha- 4.000ha/1 trạm, mỗi trạm diện tích xây dựng 150m2- 200m2;

– Xây dựng, nâng cấp đường nội bộ, đường tuần tra quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng kết hợp du lịch sinh thái (bình quân tối thiểu 1.000ha/1km);

– Xây dựng, nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc, các trang thiết bị phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng, cải thiện điều kiện làm việc của lực lượng quản lý bảo vệ rừng;

– Xây dựng hệ thống cung cấp điện, phục vụ cải thiện điều kiện làm việc các trạm bảo vệ rừng và ăn, ở, sinh hoạt của cán bộ công nhân viên chức thuộc ban quản lý khu rừng đặc dụng.

b) Xây dựng công trình phòng cháy và chữa cháy rừng

– Xây dựng, nâng cấp các công trình, chòi gác phát hiện sớm lửa rừng; mỗi trạm bảo vệ rừng có một chòi, được xây dựng theo hướng kiên cố, sử dụng lâu dài và đặt ở vị trí bao quát cho khu vực rừng rộng lớn;

– Xây dựng nhà tập luyện Phòng cháy chữa cháy rừng, diện tích 300m2 – 400m2/nhà;

– Xây dựng hồ, đập, bể chứa nước phòng cháy: Cần lợi dụng triệt để các hồ đập để xây dựng trên các thượng nguồn khe suối, khe cạn phục vụ phòng cháy kết hợp là nơi dự trữ nước phục vụ công tác bảo tồn.

c) Xây dựng công trình phục vụ nghiên cứu khoa học

– Xây dựng nhà bảo tàng để trưng bày, sưu tập các loại tiêu bản mẫu thực vật, động vật (rừng, biển), mẫu tiêu bản côn trùng, diện tích xây dựng 400m2/1 khu rừng;

– Xây dựng nhà chòi quan sát, theo dõi tập tính động vật hoang dã phục vụ nghiên cứu, kết hợp tham quan du lịch;

– Xây dựng Vườn sưu tập thực vật với mục đích để quy tụ, lưu trữ, bảo tồn nguồn gen thực vật và các thảm thực vật hiện có ở các Vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên.

d) Xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái kết hợp giáo dục môi trường

– Xây dựng trung tâm du khách nhằm cung cấp một số thông tin rất cơ bản cho du khách về khu rừng họ đến tham quan, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Diện tích xây dựng trung tâm khoảng 400m2/1 khu rừng;

– Xây dựng sa bàn và đường diễn giải môi trường nhằm giới thiệu tổng quan về khu bảo tồn, các điểm, tuyến du lịch; mỗi khu rừng xây dựng 01 sa bàn;

– Hỗ trợ, khôi phục ngành nghề truyền thống, tạo việc làm cho cộng đồng địa phương nâng cao thu nhập ổn định đời sống cộng đồng;

– Xây dựng các cơ sở hạ tầng khác trong khu rừng đặc dụng; cơ sở phục vụ du lịch sinh thái bằng nhà nghỉ, tua tuyến du lịch, công trình sinh thái.

2.3. Tổng hợp nhu cầu đầu tư

Để thực hiện chương trình đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam giai đoạn 2008 – 2020, nguồn kinh phí dự tính khoảng 3.844,8 tỷ đồng, chi tiết theo các hạng mục như bảng sau:

 

Đơn vị: Triệu đồng

Hạng mục

Tổng cộng

2008-2009

2010-2015

2016-2020

Tổng cộng

3.844.800

700.000

2.626.800

518.000

1. Điều tra, quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng

198.000

30.000

140.000

28.000

2. Xây dựng công trình cơ sở hạ tầng hệ thống rừng đặc dụng

1.986.800

420.000

1.166.800

400.000

3. Xây dựng công trình phòng cháy chữa cháy rừng

390.000

100.000

270.000

20.000

4. Xây dựng công trình phục vụ nghiên cứu khoa học

750.000

100.000

600.000

50.000

5. Xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái kết hợp giáo dục môi trường

520.000

50.000

450.000

20.000 

 

3. Các giải pháp thực hiện Đề án

3.1. Giải pháp về tổ chức

Trên cơ sở Đề án này, các Vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên xác định cụ thể nhu cầu đầu tư, phân bổ kinh phí đầu tư xây dựng các dự án đầu tư cụ thể; Cục Kiểm lâm chủ trì, phối hợp với các Cục, Vụ chức năng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối vốn cho địa phương; chỉ đạo, hướng dẫn địa phương xây dựng các dự án đầu tư; kiểm tra đánh giá việc thực hiện Đề án. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, Thành phố cân đối và điều tiết nguồn vốn, lồng ghép các chương trình, mục tiêu, phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn xây dựng dự án đầu tư cụ thể và tổ chức thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.

3.2. Giải pháp về nguồn vốn

Để thực hiện mục tiêu của Đề án “Về chương trình đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam giai đoạn 2008 – 2020”, ngân sách nhà nước đầu tư theo chế độ chính sách hiện hành, bao gồm: Nguồn kinh phí từ Chương trình 661; nguồn ngân sách Trung ương đầu tư cho các khu rừng đặc dụng; nguồn vốn ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học; vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách; vốn đóng góp của các doanh nghiệp kinh doanh rừng, các doanh nghiệp đầu tư du lịch trong khu bảo tồn; vốn huy động tài trợ không hoàn lại của các tổ chức quốc tế, tổ chức từ thiện môi trường trong nước và quốc tế.

3.3. Kế hoạch triển khai

– Năm 2008 – 2009: Tiếp tục đầu tư những dự án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; xác định cụ thể nhu cầu đầu tư, xây dựng các dự án đầu tư mới để trình duyệt theo quy định pháp luật hiện hành;

– Năm 2010 – 2015: Nhà nước dành ngân sách thích đáng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ công tác bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn ĐDSH hệ thống khu rừng đặc dụng và tổ chức theo dõi, giám sát tình hình triển khai thực hiện Đề án.

– Năm 2016 – 2020: Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và theo dõi, giám sát tình hình đầu tư, tổ chức đánh giá tình hình thực hiện Đề án đầu tư để rút kinh nghiệm phục vụ xây dựng Đề án giai đoạn tiếp theo.

4. Hiệu quả của Đề án

4.1. Hiệu quả về kinh tế và môi trường

– Bảo vệ tốt khu rừng đầu nguồn, góp phần hạn chế xói lở bồi lắng lòng hồ, duy trì sử dụng bền vững công năng tăng tuổi thọ công trình đối với những công trình thuỷ điện, thuỷ lợi xây dựng ở vùng hạ lưu các khu rừng đặc dụng.

– Bảo vệ có hiệu quả 2,2 triệu ha rừng đặc dụng, góp phần quan trọng bảo tồn nguồn gen và đa dạng sinh học; tăng cường sự bền vững của nền sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp; tạo sự ổn định và cân bằng về mặt sinh thái, tạo môi trường không khí trong lành; nâng cao năng xuất trong nông nghiệp, tăng doanh thu cho ngành du lịch.

– Cùng với rừng phòng hộ, rừng sản xuất, rừng đặc dụng góp phần nâng độ che phủ rừng lên 42 – 43 % vào năm 2010 và lên 47% vào năm 2020;

4.2. Hiệu quả về quản lý bảo vệ các khu rừng đặc dụng

– Năng lực của Ban quản lý các Vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên được tăng cường. Cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng của Ban quản lý các khu rừng đặc dụng được xây dựng, đặc biệt là các trạm bảo vệ rừng được xây mới, nâng cấp và cải tạo khang trang, đáp ứng mục tiêu bảo tồn.

– Đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ công chức, viên chức và cộng đồng dân cư đang sinh sống trong rừng đặc dụng được nâng lên; được hưởng lợi từ việc bảo vệ các khu rừng đặc dụng, góp phần hạn chế các tệ nạn xã hội, tăng cường sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Tăng cường khả năng phòng thủ, góp phần củng cố an ninh quốc phòng, bảo vệ vững chắc vùng biên giới của tổ quốc.

– Tạo thêm công ăn việc làm cho cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh khu rừng đặc dụng; khôi phục ngành nghề truyền thống, du lịch sinh thái, giáo dục môi trường.

– Xây dựng được ý thức bảo vệ tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường cảnh quan và nâng cao nhận thức về rừng nói chung và rừng đặc dụng nói riêng.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan và Giám đốc Ban quản lý các khu rừng đặc dụng chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

Nơi nhận:

– Như Điều 3;

– Bộ trưởng Cao Đức Phát (để b/c);

– Các Bộ: Kế hoạch Đầu tư, Tài chính,

  T.Nguyên MT; VHTT&DL;

– UBND các tỉnh Thành phố;

– Các Cục Vụ, Viện chức năng;

– Lưu VT, KL.

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

 

 

 

Hứa Đức Nhị

 

 

Tags: , ,

Comments are closed.