Quyết định 20/2009/QĐ-TTg ngày 10/02/2009

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 20/2009/QĐ-TTg NGÀY 10 THÁNG 02 NĂM 2009

VỀ QUY ĐỊNH VIỆC TRANG BỊ, SỬ DỤNG PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ KỸ THUẬT

TRONG CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA, PHÁT HIỆN VÀ XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT

VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CỦA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT NHÂN DÂN

 

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Công an nhân dân ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,

 

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Đối tượng, phạm vi, mục đích trang bị và sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật

Lực lượng Cảnh sát nhân dân được trang bị, sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật trong hoạt động quan trắc, thu, bảo quản, vận chuyển và phân tích mẫu môi trường (dưới đây viết tắt là phương tiện, thiết bị kỹ thuật về môi trường) quy định tại Điều 2 của Quyết định này phục vụ công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Kết quả thu được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật về môi trường là căn cứ để xem xét vi phạm và quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật về môi trường

Phương tiện, thiết bị kỹ thuật về môi trường của lực lượng Cảnh sát nhân dân trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường là các thiết bị đo kiểm; thu, bảo quản và vận chuyển mẫu; phân tích môi trường về đất, nước, khí, chất rắn, phóng xạ, điện từ trường, vi khí hậu, thủy văn, biển và các yếu tố môi trường khác được sản xuất, nhập khẩu phù hợp với các quy định của pháp luật, bao gồm:

1. Thiết bị đo nhanh khí;

2. Thiết bị đo nhanh nước;

3. Thiết bị đo bụi;

4. Thiết bị đo độ rung;

5. Thiết bị đo độ ồn;

6. Thiết bị đo phóng xạ;

7. Thiết bị đo cường độ ánh sáng;

8. Thiết bị đo sóng viba;

9. Thiết bị đo bức xạ;

10. Thiết bị đo điện từ trường;

11. Thiết bị phân tích khí;

12. Thiết bị phân tích nước và chất lỏng;

13. Thiết bị phân tích đất;

14. Thiết bị phân tích chất rắn;

15. Thiết bị phân tích các yếu tố vi sinh vật;

16. Thiết bị đo vi khí hậu;

17. Thiết bị đo lưu tốc dòng;

18. Trạm kiểm định môi trường di động;

19. Thiết bị định vị vệ tinh GPS;

20. Thiết bị thu mẫu môi trường;

21. Thiết bị bảo quản mẫu môi trường;

22. Thiết bị ghi âm và ghi hình.

Ngoài những phương tiện, thiết bị kỹ thuật trên, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định lực lượng Cảnh sát nhân dân được sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật chuyên ngành của các Bộ, ngành liên quan khi cần thiết. Kết quả sử dụng các phương tiện, thiết bị này cũng được coi là căn cứ cho việc xem xét để áp dụng các hình thức xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Quản lý, sử dụng  phương tiện, thiết bị kỹ thuật về môi trường

1. Việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật của lực lượng Cảnh sát nhân dân phục vụ công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường phải đảm bảo yêu cầu theo các quy định về kiểm định, đo lường chất lượng của Nhà nước.

2. Phương tiện, thiết bị kỹ thuật về môi trường của lực lượng Cảnh sát nhân dân phục vụ công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường phải được sử dụng theo đúng quy định và hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công an.

3. Đơn vị, cá nhân nào sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật về môi trường quy định tại Điều 2 của Quyết định này một cách tùy tiện, không đúng mục đích, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và công dân thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Trách nhiệm của các chủ thể sản xuất, kinh doanh

Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong quá trình hoạt động, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khi có yêu cầu của lực lượng Cảnh sát nhân dân phải nghiêm chỉnh chấp hành việc giám sát, phát hiện, xử lý đối với các hành vi vi phạm được phát hiện bằng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật về môi trường và có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm các hành vi cản trở, hạn chế hoặc vô hiệu hóa tính năng kỹ thuật của các phương tiện, thiết bị kỹ thuật về môi trường của lực lượng Cảnh sát nhân dân.

Điều 5. Trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan

1. Bộ Công an có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quyết định này; xây dựng Trung tâm Kiểm định tiêu chuẩn môi trường đủ điều kiện đảm bảo quan trắc và phân tích môi trường, có hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ làm căn cứ cho việc điều tra xử lý các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường.

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Viện Khoa học và Công nghệ Việt nam, Bộ Y tế và các Bộ, ngành có liên quan ban hành các quy định cụ thể về cơ chế phối hợp sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật về môi trường theo quy định tại Điều 2 của Quyết định này. Tổ chức nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất, nhập khẩu các phương tiện, thiết bị kỹ thuật về môi trường phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

a) Phối hợp với Bộ Công an tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng năng lực chuyên môn về trang thiết bị kỹ thuật đo kiểm và phân tích môi trường cho đội ngũ cán bộ Cảnh sát nhân dân làm công tác quan trắc và phân tích môi trường.

b) Phối hợp với Bộ Công an trong việc xây dựng kế hoạch, quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường để đầu tư các phương tiện, thiết bị kỹ thuật về môi trường của lực lượng Cảnh sát nhân dân.

3. Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm:

a) Tổ chức nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất, cải tiến các phương tiện, thiết bị kỹ thuật về môi trường phục vụ công tác của lực lượng Cảnh sát nhân dân.

b) Phối hợp với Bộ Công an thống nhất quản lý và tổ chức thực hiện các quy định về đo lường chất lượng của Nhà nước đối với các phương tiện, thiết bị kỹ thuật về môi trường của lực lượng Cảnh sát nhân dân theo quy định của pháp luật.

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính có trách nhiệm:

Phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan báo cáo Chính phủ phê duyệt dự toán, quyết định phân bổ kinh phí đầu tư phát triển, kinh phí từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường và các nguồn kinh phí khác đảm bảo trang bị đầy đủ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật về môi trường của lực lượng Cảnh sát nhân dân và kiểm tra giám sát việc sử dụng kinh phí theo quy định.

Điều 6. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng  3 năm 2009.

Điều 7. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

THỦ TƯỚNG

Nguyễn Tấn Dũng

 

 

 

 

 

 

Tags: 

Comments are closed.