QUYẾT ĐỊNH
Về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ thanh niên học nghề
và tạo việc làm giai đoạn 2008 – 2015
_________
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thanh niên ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Dạy nghề ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Phê duyệt Đề án Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 – 2015, với những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Mục tiêu chung
a) Nâng cao nhận thức của thanh niên và toàn xã hội về học nghề, lập nghiệp.
b) Tạo bước đột phá về tăng số lượng và nâng cao chất lượng dạy nghề, tạo việc làm cho thanh niên, nhằm phát huy và sử dụng có hiệu quả nguồn lao động, nhất là thanh niên, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
c) Góp phần tăng cường đoàn kết, tập hợp đội ngũ thanh niên, xây dựng tổ chức Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên vững mạnh.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Hỗ trợ, tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn học nghề, tạo việc làm và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo các chính sách hiện hành của nhà nước.
b) Hỗ trợ đầu tư nâng cao năng lực và hiện đại hóa 10 trung tâm giới thiệu việc làm và dạy nghề trọng điểm của Đoàn thanh niên; tập huấn 60.000 lượt cán bộ đoàn các cấp về tư vấn học nghề, việc làm; tỷ lệ thanh niên được tiếp cận thông tin tư vấn, giới thiệu việc làm đạt 50% vào năm 2010 và 75% vào năm 2015.
c) 100% thanh niên có nhu cầu lập doanh nghiệp được cung cấp kiến thức khởi sự doanh nghiệp.
3. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Xây dựng và thực hiện Dự án “Truyền thông nâng cao nhận thức của thanh niên và xã hội về học nghề lập nghiệp”.
– Mục tiêu: góp phần tích cực thay đổi mạnh về nhận thức của thanh niên và xã hội về học nghề và lập nghiệp.
– Nội dung: tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức về học nghề, lập nghiệp bằng học nghề cho thanh niên và cho xã hội. Xây dựng chương trình truyền thông, tư vấn, hướng nghiệp, học nghề, lập nghiệp, việc làm; biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các cá nhân và tập thể tiêu biểu.
– Cơ quan chủ trì: Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
– Cơ quan phối hợp: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan liên quan.
– Kinh phí thực hiện: do ngân sách nhà nước cấp hàng năm theo dự án được duyệt thông qua Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các nguồn huy động hợp pháp.
b) Xây dựng và thực hiện Dự án “Tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp”.
– Mục tiêu: cung cấp kiến thức khởi sự doanh nghiệp cho thanh niên.
– Nội dung: xây dựng chương trình tư vấn, hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng về khởi sự doanh nghiệp, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, biểu dương, tôn vinh các doanh nghiệp trẻ tiêu biểu, làm kinh tế giỏi.
– Cơ quan chủ trì: Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
– Cơ quan phối hợp: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan.
– Kinh phí thực hiện: do ngân sách nhà nước cấp hàng năm theo dự án được duyệt thông qua Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các nguồn huy động hợp pháp.
c) Đầu tư xây dựng các Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm kiểu mẫu của Đoàn Thanh niên.
– Mục tiêu: xây dựng quy hoạch hệ thống trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm do Đoàn Thanh niên quản lý phù hợp với quy hoạch tổng thể chung; lựa chọn để xây dựng 10 trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm kiểu mẫu của Đoàn Thanh niên.
– Nội dung: quy hoạch và lựa chọn 10 Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm, đầu tư cơ sở vật chất, năng cao năng lực cán bộ từ năm 2008 đến năm 2010 thành các trung tâm có chất lượng, hiệu quả cao, điển hình, kiểu mẫu về công tác hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho thanh niên.
– Cơ quan chủ trì: Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
– Cơ quan phối hợp: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan.
– Kinh phí thực hiện: do ngân sách nhà nước cấp hàng năm thông qua Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh theo các dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt.
d) Giám sát, đánh giá việc thực hiện các chính sách của Nhà nước về học nghề và tạo việc làm cho thanh niên:
– Mục tiêu: bảo đảm hiệu quả việc thực hiện các chính sách của Nhà nước về học nghề, tạo việc làm cho thanh niên theo quy định của pháp luật; góp ý, đề xuất với Nhà nước về các chính sách liên quan.
– Nội dung: giám sát, đánh giá và phản biện việc thực hiện các chính sách của Nhà nước về học nghề, tạo việc làm cho thanh niên; xây dựng các đề xuất về hoàn thiện cơ chế, chính sách, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
– Cơ quan chủ trì: Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
– Cơ quan phối hợp: các tổ chức chính trị – xã hội, các cơ quan tư vấn độc lập.
– Kinh phí thực hiện: do ngân sách nhà nước cấp hàng năm thông qua Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
4. Về xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích học nghề và tạo việc làm cho mọi đối tượng, trong đó chú trọng cho thanh niên:
a) Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng, trình ban hành, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chính sách phục vụ cho chương trình khuyến khích học nghề và tạo việc làm cho mọi đối tượng, trong đó chú trọng cho thanh niên học nghề giai đoạn 2008 – 2012, bao gồm:
– Tín dụng ưu đãi để học nghề và đào tạo nghề nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học.
Đối tượng, nguồn vốn, phương thức, điều kiện vay, mức vốn vay, thời hạn cho vay, lãi suất cho vay, thời hạn trả nợ, chuyển nợ quá hạn và xử lý rủi ro thực hiện theo Quyết định số 157/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên.
– Tín dụng ưu đãi để đào tạo bồi dưỡng doanh nhân trẻ và khởi sự doanh nghiệp, mở rộng làng nghề, phát triển sản xuất kinh doanh; tự tạo việc làm, xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh thu hút thêm thanh niên vào làm việc.
Nguồn vốn: căn cứ vào nhu cầu và tình hình thực tế ngân sách nhà nước cấp bổ sung hàng năm qua Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm.
– Tín dụng ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo theo hợp đồng.
Nguồn vốn, cơ chế vay vốn theo quy định hiện hành.
– Tín dụng ưu đãi để nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới cơ sở dạy nghề thuộc các thành phần kinh tế có chức năng dạy nghề hoạt động theo quy định của pháp luật, nhằm đáp ứng nhu cầu học nghề của xã hội, trong đó chú trọng cho thanh niên.
Nguồn vốn, cơ chế vay vốn theo quy định hiện hành.
b) Đoàn Thanh niên tham gia tư vấn, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thanh niên vay tín dụng học nghề, đặc biệt là các nghề mũi nhọn, kỹ thuật công nghệ mới, có triển vọng phát triển; Đoàn Thanh niên hướng dẫn hỗ trợ thanh niên lập dự án, phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội thẩm định dự án; Đoàn Thanh niên phối hợp với ngành lao động, thương binh và xã hội và các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động để vận động, tư vấn, hướng dẫn thanh niên vay vốn xuất khẩu, tham gia hỗ trợ ngân hàng trong quá trình thu hồi vốn vay.
5. Tổ chức thực hiện
– Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm: chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng các cơ chế, chính sách nêu tại mục 4 điểm a Điều 1 Quyết định này để trình phê duyệt theo quy định; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện các chính sách của Đề án; chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn quy hoạch 10 Trung tâm dạy nghề giới thiệu việc làm cho thanh niên; giám sát, đánh giá thực hiện các dự án, hoạt động của Đề án hàng năm báo cáo định kỳ gửi Thủ tướng Chính phủ.
– Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng các dự án cụ thể theo nhiệm vụ tại mục 3 Điều 1 của Quyết định này để thẩm định và trình phê duyệt theo quy định; chỉ đạo các cấp bộ, đoàn cơ sở phối hợp với các ban, ngành liên quan triển khai thực hiện Đề án ở địa phương; chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội giám sát việc thực hiện các chính sách của Đề án.
– Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm: đảm bảo ngân sách nhà nước cấp hàng năm cho thực hiện Đề án theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính, đầu tư đối với các chính sách, dự án trong Đề án; phối hợp kiểm tra, giám sát thực hiện Đề án.
– Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm: chỉ đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi của Đề án theo quy định.
– Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương triển khai thực hiện Đề án trên cơ sở hướng dẫn của các Bộ, ngành, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
– Đề nghị các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp tổ chức việc thực hiện Đề án trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ có liên quan.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: – Ban Bí thư Trung ương Đảng; – Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; – Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; – VP BCĐTW về phòng, chống tham nhũng; – HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; – Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; – Văn phòng Chủ tịch nước; – Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH; – Văn phòng Quốc hội; – Tòa án nhân dân tối cao; – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; – Kiểm toán Nhà nước; – BQL KKTCKQT Bờ Y; – Ngân hàng Chính sách Xã hội; – Ngân hàng Phát triển Việt Nam; – UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; – Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; – VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo; – Lưu: Văn thư, TH (5b).Hà |
KT. THỦ TƯỚNG PHÓ THỦ TƯỚNG (Đã ký)
Nguyễn Thiện Nhân |