Nghị định số 94/1999/NĐ-CP ngày 08-09-1999

NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 94/1999/NĐ-CP NGÀY 08 THÁNG 9 NĂM 1999
VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA ĐIỀU LỆ BẢO HIỂM
Xà HỘI ĐỐI VỚI SĨ QUAN, QUÂN NHÂN CHUYÊN NGHIỆP, HẠ SĨ QUAN, BINH SĨ QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VÀ CÔNG AN NHÂN DÂN BAN HÀNH KÈM THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 45/CP NGÀY 15 THÁNG 7 NĂM 1995
CỦA CHÍNH PHỦ

 

CHÍNH PHỦ

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,

NGHỊ ĐỊNH:

 

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ Bảo hiểm Xã hội đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân ban hành kèm theo Nghị định số 45/CP ngày 15 tháng 7 năm 1995 của Chính phủ như sau:

1. Khoản 2 Điều 25 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Đối với quân nhân, công an nhân dân hưởng chế độ hưu trí hàng tháng theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 24 thì lương hưu hàng tháng tính như quy định tại khoản 1 Điều này, nhưng cứ mỗi năm nghỉ việc hưởng lương hưu trước tuổi so với quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 23 thì giảm đi 1% mức bình quân của tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Riêng đối với quân nhân, công an nhân dân có 30 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên đủ 50 tuổi đến dưới 55 tuổi (đối với nam) hoặc đủ 45 tuổi đến dưới 50 tuổi (đối với nữ), thì khi nghỉ hưu được hưởng lương hưu như cách tính quy định tại khoản 1 Điều 25, nhưng mỗi năm nghỉ việc hưởng lương hưu trước tuổi không phải giảm 1% mức bình quân của tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội”.

2. Bổ sung thêm vào cuối Điều 26 như sau:

“Đối với quân nhân, công an nhân dân chuyển sang làm công việc khác hoặc chuyển ra làm việc ngoài quân đội và công an, thì cách tính cụ thể như sau:

a) Quân nhân, công an nhân dân đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo mức tiền lương thuộc công việc nặng nhọc, độc hại hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại (theo danh mục nghề do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định) đủ 15 năm trở lên mà chuyển sang làm công việc khác đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương thấp hơn thì khi nghỉ hưu được lấy các mức lương đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm liền kề làm công việc nặng nhọc, độc hại làm cơ sở tính lương hưu.

 

b) Quân nhân, công an nhân dân có đủ 20 năm tuổi quân trở lên, theo yêu cầu của tổ chức, điều động sang công tác tại cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể ngoài lực lượng vũ trang, nếu khi nghỉ hưu có mức lương thấp hơn mức lương khi đang tại ngũ thì được lấy mức lương đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm cuối cùng trước khi chuyển ra ngoài lực lượng vũ trang để làm cơ sở tính lương hưu.

c) Những quân nhân, công an nhân dân có đủ 15 năm đến dưới 20 năm tuổi quân được điều động như trên hoặc những quân nhân, công an nhân dân có đủ 20 năm tuổi quân trở lên mà tự nguyện xin chuyển ra làm việc ngoài quân đội và công an, nếu khi nghỉ hưu có mức lương thấp hơn mức lương khi đang tại ngũ, thì được lấy mức lương bình quân của 10 năm đóng bảo hiểm xã hội (bao gồm 5 năm cuối trước khi chuyển ngành cộng với 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu) để làm cơ sở tính lương hưu.

Người được tính lương hưu theo quy định tại một trong ba trường hợp trên, thì không được hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 812/TTg ngày 12 tháng 12 năm 1995 của Thủ tướng Chính phủ”.

3. Bổ sung thêm khoản 4 Điều 34 như sau:

“4. Thời gian nữ quân nhân, công an nhân dân nghỉ việc trước và sau khi sinh con theo quy định tại các khoản 1, 2 Điều 10 được tính là thời gian để hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội. Trong thời gian này, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và nữ quân nhân, nữ công an nhân dân không phải đóng bảo hiểm xã hội, khoản này do quỹ bảo hiểm xã hội bảo đảm”.

 

Điều 2.

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

2. Không giải quyết điều chỉnh lại các trường hợp đã hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

 

Điều 3. Bộ trưởng các Bộ: Quốc phòng, Công an, Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

 

Điều 4. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

Tags: , , , , , ,

Comments are closed.