Nghị định số 72/2011/NĐ-CP ngày 23/8/2011

CHÍNH PHỦ
———————–
Số: 72/2011/NĐ-CP
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————————-
Hà Nội, ngày 23 tháng 08 năm 2011
NGHỊ ĐỊNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 111/2005/NĐ-CP NGÀY 26 THÁNG 8 NĂM 2005 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XUẤT BẢN ĐÃ ĐƯỢC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG BẰNG NGHỊ ĐỊNH SỐ 11/2009/NĐ-CP NGÀY 10 THÁNG 02 NĂM 2009 VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 105/2007/NĐ-CP NGÀY 21 THÁNG 6 NĂM 2007 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ HOẠT ĐỘNG IN CÁC SẢN PHẨM KHÔNG PHẢI LÀ XUẤT BẢN PHẨM
————————-
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Xuất bản ngày 03 tháng 12 năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2005/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 11/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ
1. Khoản 2 Điều 8 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Tổ chức khác được thành lập nhà xuất bản, bao gồm:
a) Tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp ở Trung ương trực tiếp sáng tạo và công bố tác phẩm;
b) Đơn vị sự nghiệp công lập ở Trung ương, tổ chức xã hội – nghề nghiệp ở Trung ương trực tiếp sáng tạo và công bố tác phẩm được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép thành lập nhà xuất bản sau khi có ý kiến đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.”
2. Bổ sung khoản 3 vào Điều 14 như sau:
“3. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật Xuất bản được lập thành 01 (một) bộ, gửi qua bưu điện, dịch vụ chuyển phát hoặc gửi trực tiếp đến cơ quan cấp giấy phép tại Điều 15 Nghị định này.
Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động in xuất bản phẩm.”
3. Bổ sung khoản 4 vào Điều 17 như sau:
“4. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép in gia công xuất bản phẩm cho nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Xuất bản được lập thành 01 (một) bộ gửi qua bưu điện, dịch vụ chuyển phát hoặc gửi trực tiếp đến cơ quan cấp giấy phép quy định tại khoản 1 Điều này.”
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2007/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về hoạt động in các sản phẩm không phải là xuất bản phẩm
1. Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 6. Cách thức thực hiện và hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động in
1. Trước khi tham gia in sản phẩm báo chí, tem chống giả, cơ sở in phải lập 01 (một) bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động in gửi trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện, dịch vụ chuyển phát đến cơ quan quản lý nhà nước quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này.
2. Hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động in gồm:
a) Đơn đề nghị cấp giấy phép (theo mẫu do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành);
b) Sơ yếu lý lịch của giám đốc, chủ cơ sở in;
c) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu các văn bằng, chứng chỉ của giám đốc, chủ cơ sở in (nếu có);
d) Tài liệu chứng minh về việc có mặt bằng sản xuất; danh mục thiết bị in chính;
đ) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu một trong các loại giấy tờ sau: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư, quyết định thành lập cơ sở in của cơ quan chủ quản;
e) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự do cơ quan công an có thẩm quyền cấp.”
2. Khoản 1 Điều 10 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Cơ sở in được nước ngoài đặt in gia công các sản phẩm của nước ngoài, gồm: vàng mã, báo chí, sổ tiết kiệm, hộ chiếu, chứng minh thư, văn bằng, chứng chỉ, tem chống giả phải có hồ sơ đề nghị cấp giấy phép in gia công cho nước ngoài gửi qua bưu điện, dịch vụ chuyển phát hoặc gửi trực tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này. Hồ sơ được lập thành 01 bộ, bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp giấy phép (theo mẫu do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành);
b) 02 (hai) bản sao mẫu sản phẩm đặt in;
c) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu giấy phép hoạt động in hoặc một trong các loại giấy tờ sau: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư, quyết định thành lập cơ sở in của cơ quan chủ quản.”
3. Khoản 3 Điều 11 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“3. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Xuất bản phải cấp giấy phép; trường hợp không cấp giấy phép phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do”.
4. Thay thế cụm từ “Bộ Văn hóa – Thông tin” và cụm từ “Sở Văn hóa – Thông tin” như sau:
a) Thay thế cụm từ “Bộ Văn hóa – Thông tin” bằng cụm từ “Bộ Thông tin và Truyền thông” tại khoản 1 Điều 7, khoản 1 Điều 9, khoản 2 Điều 10, khoản 1 Điều 11, khoản 1 Điều 14 và khoản 2 Điều 20 của Nghị định số 105/2007/NĐ-CP;
b) Thay thế cụm từ “Sở Văn hóa – Thông tin” bằng cụm từ “Sở Thông tin và Truyền thông” tại khoản 2 Điều 5, khoản 1 Điều 7, khoản 2 và khoản 3 Điều 10 khoản 1 và khoản 2 Điều 12, khoản 2 Điều 14 của Nghị định số 105/2007/NĐ-CP.
Điều 3. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 10 năm 2011.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
– VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
– HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
– Văn phòng Quốc hội;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
– Kiểm toán Nhà nước;
– Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
– Ngân hàng Chính sách Xã hội;
– Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
– UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
– VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
– Lưu: VT, KSTT (5)
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG

Nguyễn Tấn Dũng

Tags: , , , , ,

Comments are closed.