Nghị định số 65/2009/NĐ-CP ngày 31/07/2009

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
_____

Số: 65/2009/NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
__________

Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 2009

 

 

NGHỊ ĐỊNH

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2003/NĐ-CP

ngày 22 tháng 10 năm 2003 quy định về tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với quân nhân tại ngũ

_________

 

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Nghĩa vụ quân sự ngày 30 tháng 12 năm 1981, đã được sửa đổi bổ sung năm 1990, năm 1994 và năm 2005;

Căn cứ Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 21 tháng 12 năm 1999, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2008;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;

 

 

NGHỊ ĐỊNH

 

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2003/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2003 quy định về tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với quân nhân tại ngũ, với nội dung sau đây:

1. Điều 9 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 9. Tiêu chuẩn trang bị, dụng cụ y tế

1. Tiêu chuẩn trang bị, dụng cụ y tế được trang bị lần đầu và trang bị thay thế hàng năm.

2. Tiêu chuẩn trang bị, dụng cụ y tế được trang cấp theo từng loại hình cơ sở y tế trong Quân đội.

a) Đối với bệnh viện loại đặc biệt của Quân đội thì được trang bị tương đương bệnh viện hạng đặc biệt của Bộ Y tế.

b) Đối với bệnh viện loại 1 của Quân đội thì được trang bị tương đương bệnh viện hạng 1 của Bộ Y tế.

c) Đối với bệnh viện loại 2 của Quân đội thì được trang bị tương đương bệnh viện hạng 2 của Bộ Y tế.

d) Đối với viện chuyên ngành của Quân đội thì được trang bị theo quy hoạch và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể.

đ) Những bệnh viện chuyên ngành hàng năm được cấp một khoản ngân sách tương đương ngân sách thuốc, bông băng, hoá chất theo cùng năm kế hoạch (ngoài ngân sách trang bị mới).”

2. Điều 11 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 11. Định mức sử dụng nước sạch trong sinh hoạt

Định mức sử dụng nước sạch trong sinh hoạt bảo đảm đủ tiêu chuẩn là 130 – 150 lít nước sinh hoạt cho mỗi người/ngày, áp dụng cho địa bàn có nguồn nước sạch.

Những đơn vị đóng quân trên địa bàn chưa có nguồn nước sạch dùng chung, tuỳ theo điều kiện thực tế có thể được trang bị máy móc để khai thác nguồn nước sạch hoặc đầu tư xây dựng công trình phục vụ nước sinh hoạt, bảo đảm đủ 130 đến 150 lít cho mỗi người/ngày.

Định mức sử dụng nước sạch cho các bệnh viện trong Quân đội được bảo đảm đủ tiêu chuẩn là 250 lít/giường bệnh/ngày đêm.”

3. Điều 14 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 14. Định mức sử dụng điện năng

Định mức sử dụng điện năng trong Quân đội gồm có định mức sử dụng điện năng cho sinh hoạt, làm việc; định mức sử dụng điện năng cho chỉ huy sẵn sàng chiến đấu; định mức sử dụng điện năng cho bảo đảm kỹ thuật; định mức sử dụng điện năng cho bảo đảm hậu cần; định mức sử dụng điện năng cho đào tạo; định mức sử dụng điện năng cho phòng chống dịch và khám chữa bệnh.

Các đơn vị ở biển đảo, đồn biên phòng, vùng cao, vùng xa và các đơn vị đóng quân trên địa bàn chưa có nguồn điện từ lưới điện quốc gia, được trang bị hệ thống máy phát điện có công suất đáp ứng yêu cầu chiếu sáng và phù hợp với quân số biên chế của từng đơn vị. Giờ máy phát điện tối thiểu là 6 giờ/ngày.”

4. Điều 15 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 15. Danh mục

1. Ban hành kèm theo Nghị định này các Danh mục chi tiết về một số tiêu chuẩn vật chất hậu cần cơ bản đối với quân nhân tại ngũ:

a) Danh mục số 01: Tiêu chuẩn quân trang của hạ sĩ quan, binh sĩ.

b) Danh mục số 02: Tiêu chuẩn quân trang của sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp.

c) Danh mục số 03: Tiêu chuẩn nhu yếu phẩm.

d) Danh mục số 04: Tiêu chuẩn thuốc, bông băng, hoá chất.

đ) Danh mục số 05: Tiêu chuẩn trang bị quân y và quân trang nghiệp vụ.

e) Danh mục số 06: Tiêu chuẩn trang bị phương tiện nhóm 1 và trang bị bảo hộ phòng chống vũ khí hoá học, sinh học, nguyên tử (NBC).

g) Danh mục số 07: Tiêu chuẩn tạp chi vệ sinh.

h) Danh mục số 08: Tiêu chuẩn diện tích ở, làm việc, sinh hoạt công cộng và một số công trình phụ trợ khác trong doanh trại.

i) Danh mục số 09: Định mức tiêu chuẩn doanh cụ.

k) Danh mục số 10: Định mức sử dụng điện năng.

2. Ngoài những tiêu chuẩn vật chất đã có Danh mục kèm theo Nghị định này, một số tiêu chuẩn vật chất khác không thể hiện bằng Danh mục như:

a) Các mức ăn của quân chủng, binh chủng, ăn bồi dưỡng bệnh lý, ăn bồi dưỡng trong huấn luyện chiến đấu, trực sẵn sàng chiến đấu, diễn tập, phòng chống thiên tai và nhiệm vụ khác.

b) Quân trang nghiệp vụ, quân trang tăng thêm.

c) Trang bị nhà ăn, nhà bếp.

d) Trang bị quân nhu chiến đấu và huấn luyện dã ngoại.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể các tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều này.

3. Tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với quân nhân tại ngũ được bảo đảm theo nguyên tắc: lấy tiêu chuẩn về định lượng làm cơ sở chính; về giá trị, theo tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại vật chất và giá từng thời điểm (giá trung bình hàng năm) để tính ngân sách bảo đảm; những trang thiết bị phải mua bằng ngoại tệ thì tính theo tỷ giá quy đổi ngoại tệ từng thời điểm; những loại không tính được tiêu chuẩn về lượng thì lấy giá thời điểm ban hành Nghị định này để điều chỉnh theo chỉ số trượt giá hàng năm theo thông báo của Nhà nước. Đối với định mức tiêu chuẩn vật chất quân y bảo đảm cho quân nhân tại ngũ được tính tương đương mức bảo hiểm y tế chi trả cùng thời điểm cộng với yếu tố đặc thù trong lĩnh vực hoạt động quân sự. Giao cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định điều chỉnh chỉ số “trượt giá” cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng.

4. Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Danh mục chi tiết tại khoản 1 Điều này.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2009.

Các tiêu chuẩn về vật chất hậu cần đối với quân nhân tại ngũ quy định tại Nghị định này được thực hiện từ ngày 01 tháng 9 năm 2009.

Điều 3. Trách nhiệm hướng dẫn

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành khác có liên quan hướng dẫn việc áp dụng các tiêu chuẩn vật chất hậu cần theo từng mức cụ thể và cho từng đối tượng quân nhân tại ngũ, theo các địa bàn khác nhau cho phù hợp với đặc thù trong Quân đội.

Điều 4. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

Nơi nhận:

– Ban Bí thư Trung ương Đảng;

– Thủ tướng, các Phó thủ tướng Chính phủ;

– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

– Văn phòng BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;

– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;

– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

– Văn phòng Chủ tịch nước;

– Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;

– Văn phòng Quốc hội;

– Toà án nhân dân tối cao;

– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

– Kiểm toán Nhà nước;

– Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;

– Ngân hàng Chính sách Xã hội;

– Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

– UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;

– VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT,

các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;

– Lưu: VT, NC (5b). A

TM. CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

 

Tags: , , , , , ,

Comments are closed.