Nghị định số 154/2004/NĐ-CP
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 154/2004/NĐ-CP NGÀY 09 THÁNG 8 NĂM 2004 VỀ NGHI THỨC NHÀ NƯỚC TRONG TỔ CHỨC MÍT TINH, LỄ KỶ NIỆM; TRAO TẶNG VÀ ĐÓN NHẬN DANH HIỆU VINH DỰ NHÀ NƯỚC, HUÂN CHƯƠNG, HUY CHƯƠNG, CỜ THI ĐUA CỦA CHÍNH PHỦ, BẰNG KHEN CỦA THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Để thống nhất các quy định về nghi thức Nhà nước trong việc tổ chức mít tinh, lễ kỷ niệm; trao tặng và đón nhận danh hiệu vinh dự nhà nước, Huân chương, Huy chương, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin,
NGHỊ ĐỊNH:
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Nghi thức Nhà nước
Nghi thức Nhà nước quy định trong Nghị định này là hình thức, thủ tục tổ chức một buổi lễ mít tinh, lễ kỷ niệm; trao tặng và đón nhận danh hiệu vinh dự nhà nước, Huân chương, Huy chương, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi là buổi lễ) nhằm đảm bảo tính thống nhất, trang trọng, tôn vinh, giáo dục, khoa học, thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm.
Điều 2. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh
1. Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi tổ chức mít tinh, lễ kỷ niệm; trao tặng và đón nhận danh hiệu vinh dự nhà nước, Huân chương, Huy chương, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ phải tuân thủ hình thức, thủ tục quy định trong Nghị định này.
2. Những hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước thực hiện theo Nghị định số 82/2001/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2001 của Chính phủ về nghi lễ Nhà nước và đón tiếp khách nước ngoài. Các ngày lễ khác chỉ tổ chức mít tinh, lễ kỷ niệm vào các năm tròn 5, chẵn 10; các năm lẻ tổ chức sinh hoạt nội bộ, gọn nhẹ, thiết thực, tiết kiệm.
3. Bộ Ngoại giao hướng dẫn hình thức, thủ tục trao tặng Huân chương, Huy chương đối với tổ chức quốc tế, người nước ngoài không thuộc đối tượng quy định tại Nghị định này.
CHƯƠNG II
KHÁCH MỜI VÀ HÌNH THỨC TỔ CHỨC BUỔI LỄ
Điều 3. Khách mời
Tùy tính chất, quy mô buổi lễ, Ban Tổ chức mời khách trong phạm vi thích hợp. Khuyến khích mời số lượng khách gọn, thiết thực, phù hợp với mục đích, yêu cầu buổi lễ; tránh phô trương, hình thức, gây lãng phí, tốn kém về thời gian, tiền bạc. Hạn chế việc mời nhiều khách từ các địa phương về Trung ương và ngược lại.
Trường hợp khách mời là các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, việc mời khách phải thông qua cơ quan cấp trên trực tiếp và thực hiện theo quy định tại Điều 12 Quy định số 60-QĐ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2003 của Bộ Chính trị về tổ chức các chuyến đi công tác cơ sở, tham dự các cuộc mít tinh, lễ kỷ niệm, đại hội, hội nghị và tiếp các đoàn đại biểu trong nước của các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Điều 4. Trang trí buổi lễ
Buổi lễ được tổ chức trong hội trường hoặc ngoài trời.
1. Tổ chức trong hội trường:
Sân khấu hội trường được trang trí trang trọng theo những quy định sau:
a) Quốc kỳ hoặc Quốc kỳ và cờ Đảng treo trên phông hậu hoặc trên cột cờ về phía bên trái của sân khấu; Quốc kỳ ở bên phải, cờ Đảng ở bên trái (nhìn từ phía hội trường lên).
b) Tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trên bục cao phía dưới ngôi sao hoặc ở phía dưới giữa ngôi sao và hình búa liềm theo chiều thẳng đứng. Trường hợp cờ được treo trên cột thì đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh chếch phía trước bên phải cột cờ (nhìn từ phía hội trường lên).
c) Tiêu đề buổi lễ kiểu chữ chân phương trên nền phông hậu về phía bên phải sân khấu.
d) Bàn Đoàn Chủ tịch: căn cứ vào tính chất của buổi lễ, Ban Tổ chức quyết định việc bố trí bàn Đoàn Chủ tịch buổi lễ.
Bàn Đoàn Chủ tịch được bố trí ở giữa sân khấu. Tùy theo số lượng thành viên Đoàn Chủ tịch, Ban Tổ chức quyết định số hàng (cao dần về phía sau) nhưng hàng sau cùng người ngồi không được che khuất tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tiêu đề buổi lễ. Đoàn Chủ tịch được bố trí ngồi theo chức vụ quan trọng từ giữa ra hai bên, từ phía trước ra phía sau.
đ) Bục diễn giả có thể bố trí trên sân khấu (phía bên phải sân khấu) hoặc phía dưới trước sân khấu tùy theo điều kiện cụ thể của hội trường. Không đặt bục diễn giả che lấp tiêu đề trên phông hậu; không đặt hoa che lấp mặt người nói; mi-crô trên bục diễn giả được đặt ngay ngắn, thuận tiện cho người nói.
e) Hoa trang trí đặt ở phía dưới, trước bục đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đối với những cuộc mít tinh, lễ kỷ niệm có thể đặt lẵng hoa phía trước bục diễn giả và chậu cây cảnh hoặc lẵng hoa phía dưới tiêu đề dọc theo phông hậu. Nếu có lẵng hoa của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước tặng thì đặt ở vị trí trang trọng. Không đặt quá nhiều lẵng hoa trên sân khấu (khoảng 5 chậu cây cảnh hoặc 5 lẵng hoa).
g) Khẩu hiệu của buổi lễ được treo ở vị trí nổi bật, phù hợp với không gian hội trường. Nội dung khẩu hiệu do Ban Tổ chức quyết định.
h) Bên ngoài hội trường treo Quốc kỳ ở vị trí trang trọng, cờ trang trí, băng khẩu hiệu, tạo cảnh quan phù hợp với buổi lễ.
i) Khách mời được bố trí ngồi đối diện phía dưới trước sân khấu theo chức vụ quan trọng từ giữa ra hai bên, từ phía trước ra phía sau.
2. Tổ chức ngoài trời:
a) Buổi lễ ngoài trời được tổ chức tại quảng trường, sân vận động hoặc một nơi trang trọng khác do Ban Tổ chức quy định.
b) Lễ đài được thiết kế vững chắc, bài trí tương tự như trong hội trường. Quốc kỳ treo trên cột cao trước lễ đài. Quanh lễ đài có cờ trang trí, băng khẩu hiệu phù hợp.
c) Vị trí Đoàn Chủ tịch được bố trí giữa lễ đài. Quần chúng dự mít tinh đứng thành khối trước lễ đài.
Điều 5. Phù hiệu
Căn cứ yêu cầu của buổi lễ, Ban Tổ chức quyết định việc sử dụng phù hiệu. Nếu dùng phù hiệu, Ban Tổ chức quy định hình thức phù hiệu để phân biệt đại biểu, Ban Tổ chức.
Hạn chế dùng phù hiệu “nơ”, hoa cài ngực… đối với những buổi lễ không thật cần thiết hoặc quá đông người.
Điều 6. Trang phục
1. Đoàn Chủ tịch, người chủ trì buổi lễ; đại biểu là các đồng chí lãnh đạo các cấp, khách mời; người trao tặng và người đón nhận danh hiệu vinh dự nhà nước, Huân chương, Huy chương, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trang phục được quy định như sau:
a) Nam: com lê có thắt cà vạt hoặc áo sơ mi dài tay có thắt cà vạt.
b) Nữ: áo dài truyền thống (trời lạnh có thể có áo khoác ngoài) hoặc com lê nữ.
2. Quần chúng dự lễ: trang phục lịch sự, chỉnh tề phù hợp với buổi lễ.
3. Ban Tổ chức buổi lễ quy định trang phục của khối quần chúng và đơn vị tham gia diễu hành.
4. Khách mời, đại biểu và quần chúng dự lễ là người dân tộc thiểu số, tín đồ tôn giáo khuyến khích mặc trang phục dân tộc, lễ phục tôn giáo. Người dự lễ là tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ các lực lượng vũ trang mặc quân phục của quân chủng, binh chủng.
Điều 7. Biểu diễn nghệ thuật, tặng quà, chiêu đãi
1. Không khuyến khích tổ chức biểu diễn văn nghệ trước buổi lễ. Trong trường hợp xét thấy cần biểu diễn nghệ thuật thì chương trình văn nghệ phải phù hợp với nội dung buổi lễ và không quá 30 phút; thời gian biểu diễn văn nghệ được ghi rõ trong giấy mời.
2. Không dùng tiền ngân sách nhà nước để làm quà tặng. Trường hợp cần thiết và được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền mới tổ chức chiêu đãi, tặng quà lưu niệm. Quà lưu niệm phải đảm bảo tính thiết thực, có ý nghĩa, tiết kiệm và được trao sau khi kết thúc buổi lễ.
Điều 8. Đưa tin về buổi lễ
Việc đưa tin về buổi lễ trên các phương tiện thông tin đại chúng thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.
CHƯƠNG III
TRÌNH TỰ TIẾN HÀNH MÍT TINH, LỄ KỶ NIỆM
Điều 9. Trình tự tiến hành mít tinh, lễ kỷ niệm
1. Trưởng Ban Tổ chức buổi lễ thông báo chương trình buổi lễ; mời lãnh đạo và đại biểu đứng dậy làm lễ chào cờ; phát lệnh chào cờ.
2. Nhạc Quốc ca qua băng ghi âm, đối với buổi lễ quan trọng do Quân nhạc cử Quốc ca, người dự lễ hát theo.
3. Trưởng Ban Tổ chức cảm ơn và mời lãnh đạo, đại biểu ngồi.
4. Trưởng Ban Tổ chức tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu ngắn gọn, trang trọng. Chỉ giới thiệu tên và chức vụ đồng chí đại biểu có chức vụ cao nhất về Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc của Trung ương và địa phương; các đồng chí khác giới thiệu chung.
5. Trưởng Ban Tổ chức giới thiệu đồng chí lãnh đạo được phân công đọc diễn văn hoặc đọc báo cáo tại buổi lễ.
6. Trưởng Ban Tổ chức giới thiệu lãnh đạo cấp trên hoặc khách mời phát biểu ý kiến.
Để đơn giản hóa thủ tục, mở đầu diễn văn, báo cáo hoặc phát biểu chỉ “kính thưa” một đồng chí có chức vụ cao nhất của Trung ương hoặc địa phương dự buổi lễ, còn lại “kính thưa” chung các đồng chí lãnh đạo, các vị đại biểu.
7. Trưởng Ban Tổ chức nói lời cảm ơn. Trường hợp lãnh đạo cấp cao của Đảng hoặc Nhà nước phát biểu thì người đứng đầu đơn vị tiếp thu ý kiến và nói lời cảm ơn.
8. Trưởng Ban Tổ chức cảm ơn và kết thúc buổi lễ trong tiếng nhạc của bài hát phù hợp với tính chất của buổi lễ.
CHƯƠNG IV
NGUYÊN TẮC VÀ TRÌNH TỰ TIẾN HÀNH LỄ TRAO TẶNG VÀ ĐÓN NHẬN DANH HIỆU VINH DỰ NHÀ NƯỚC, HUÂN CHƯƠNG, HUY CHƯƠNG, CỜ THI ĐUA CỦA CHÍNH PHỦ, BẰNG KHEN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Điều 10. Nguyên tắc tổ chức trao tặng, đón nhận khen thưởng
1. Tổ chức trao tặng và đón nhận một lần ở một cấp xét thấy có tác dụng giáo dục, nêu gương tốt nhất. Không tổ chức diễu hành hoặc tổ chức đón rước từ cấp này, địa điểm này đến cấp khác, địa điểm khác.
2. Kết hợp tổ chức trao tặng và đón nhận khen thưởng trong buổi lễ kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước, ngày truyền thống của ngành, địa phương, đơn vị, hội nghị tổng kết nhưng phải có chương trình cụ thể và thực hiện đúng Nghị định này.
3. Cá nhân được khen thưởng trực tiếp nhận khen thưởng. Trường hợp cá nhân được khen thưởng vắng mặt hoặc đã qua đời thì người đại diện hợp pháp của người được khen thưởng nhận thay.
4. Không tặng hoa trong khi trao tặng, đón nhận khen thưởng. Chỉ tặng hoa sau khi người được khen thưởng rời khỏi lễ đài hoặc sân khấu.
Trong quá trình trao tặng, cần hướng dẫn phóng viên quay phim, chụp ảnh, người tặng hoa để không gây mất trật tự trên khu vực lễ đài hoặc trên sân khấu. Giữa các đợt trao tặng có thể có nhạc nền hoặc quân nhạc chào mừng.
Điều 11. Thứ tự trao tặng, đón nhận khen thưởng
1. Trao tặng cho tập thể trước, cá nhân sau.
2. Hình thức khen thưởng cao được trao trước, thấp hơn trao sau.
3. Trong trường hợp số lượng tập thể và cá nhân được trao tặng nhiều thì mời từng đợt. Quy định số thứ tự và vị trí cụ thể cho từng người trên lễ đài hoặc sân khấu theo danh sách để trao đúng người, tránh nhầm lẫn, lộn xộn khi trao tặng. Bố trí việc trao tặng hợp lý, không để người trao phải đi lên đi xuống nhiều lần.
Điều 12. Trình tự trao tặng và đón nhận khen thưởng
1. Nghi thức chào cờ, tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 9 Nghị định này.
2. Trưởng Ban Tổ chức mời thủ trưởng đơn vị báo cáo tóm tắt thành thích của đơn vị và của cá nhân được khen thưởng (nếu nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng thì báo cáo tóm tắt thành tích chung, không đọc bản thành tích của từng tập thể, cá nhân).
3. Trưởng Ban Tổ chức mời đại diện chính quyền, cấp ủy Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên của đơn vị được khen thưởng và cá nhân được khen thưởng lên lễ đài hoặc sân khấu để đón nhận Quyết định.
4. Trưởng Ban Tổ chức công bố Quyết định. Đại diện tập thể hoặc cá nhân được khen thưởng đứng nghiêm theo hàng trên lễ đài nghe công bố và đón nhận Quyết định. Những người tham dự khác không đứng dậy trong khi đọc quyết định khen thưởng. Khi công bố xong quyết định người dự vỗ tay chúc mừng.
5. Trưởng Ban Tổ chức mời đồng chí lãnh đạo có chức vụ cao nhất về Đảng và Nhà nước có mặt tại buổi lễ trao Huân chương, Huy chương, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho tập thể, cá nhân được khen thưởng. Người trao gắn Huân chương, Huy chương lên góc cao lá cờ truyền thống của đơn vị (nếu có) hoặc trên ngực áo. Nếu trên lá cờ truyền thống của đơn vị hoặc trên ngực áo của cá nhân đang có các loại Huân chương, Huy chương mà Huân chương, Huy chương được trao lần sau cao hơn thì phải được gắn ở vị trí cao hơn các Huân chương, Huy chương có trước.
6. Trưởng Ban Tổ chức mời lãnh đạo cấp trên phát biểu ý kiến.
7. Trưởng Ban Tổ chức mời thủ trưởng đơn vị, cá nhân được khen thưởng phát biểu ý kiến.
8. Trưởng Ban Tổ chức cảm ơn và tuyên bố bế mạc buổi lễ.
CHƯƠNG V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin hướng dẫn thi hành Nghị định này. Các quy định trước đây trái với Nghị định này đều bị bãi bỏ.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan Trung ương của các đoàn thể chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.