CHÍNH PHỦ Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992; Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, NGHỊ ĐỊNH CHƯƠNG I Điều 1. 1. Bưu chính, viễn thông là ngành kinh tế kỹ thuật thuộc kết cấu hạ tầng của nền kinh tế và là công cụ thông tin liên lạc cuả Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 2. Mạng lưới bưu chính, viễn thông công cộng là phương tiện thông tin liên lạc của quốc gia, phải được bảo vệ, không ai được xâm phạm. Bảo vệ mạng lưới bưu chính, viễn thông là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm bảo vệ hệ thống thông tin liên lạc trong địa phương mình. Điều 2. Nghị định này điều chỉnh các quan hệ về bưu chính, viễn thông nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, phát triển nhanh và khai thác có hiệu quả mạng lưới và dịch vụ bưu chính, viễn thông để thoả mãn nhu cầu thông tin liên lạc của toàn xã hội. Mọi hoạt động về bưu chính, viễn thông và liên quan đến bưu chính, viễn thông của các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam đều phải tuân theo Nghị định này. Trong trường hợp các điều ước quốc tế về bưu chính, viễn thông mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với Nghị định này thì áp dụng điều ước quốc tế. Việc thiết lập và hoạt động của mạng lưới bưu chính, viễn thông chuyên dùng của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và mối quan hệ giữa các mạng lưới này với mạng lưới bưu chính, viễn thông công cộng do Thủ tướng Chính phủ qui định. Điều 3. 1. Bí mật và an toàn bưu chính, viễn thông được bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nghiêm cấm các hành vi sau đây: a) Phá hoại hoặc cản trở hoạt động của mạng lưới bưu chính, viễn thông công cộng và các mạng lưới bưu chính, viễn thông chuyên dùng; b) Cung cấp và sử dụng dịch vụ bưu chính, viễn thông nhằm mục đích chống lại Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây rối loạn an ninh trật tự; vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục; hoạt động buôn lậu và các hoạt động vi phạm pháp luật khác; c) Chiếm đoạt, huỷ bỏ, bóc mở, tráo đổi, tiết lộ nội dung bưu phẩm, bưu kiện, điện văn của người khác; d) Nghe trộm, thu trộm các tín hiệu viễn thông; e) Tiết lộ tên, địa chỉ của các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ bưu chính, viễn thông trừ trường hợp bên thuê bao viễn thông thoả thuận cho đăng tên và địa chỉ trên các danh bạ viễn thông. 2. Việc kiểm soát hoạt động của mạng lưới và dịch vụ bưu chính, viễn thông, kiểm tra, kiểm soát, thu giữ bưu phẩm, bưu kiện, điện văn của tổ chức, cá nhân phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành theo qui định của pháp luật. 3. Tổng cục Bưu điện phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan có liên quan hướng dẫn thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong thông tin liên lạc, bảo đảm bí mật, an toàn mạng lưới và dịch vụ bưu chính, viễn thông. Điều 4. Tổ chức và cá nhân Việt Nam, tổ chức và cá nhân nước ngoài được sử dụng các dịch vụ bưu chính, viễn thông. Mọi tổ chức và cá nhân có nghĩa vụ tuân theo pháp luật khi sử dụng các dịch vụ bưu chính, viễn thông. Không ai được ngăn cản quyền sử dụng hợp pháp các dịch vụ bưu chính, viễn thông. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông được quyền từ chối phục vụ nếu người sử dụng vi phạm pháp luật về bưu chính, viễn thông. Điều 5. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông. Tổng cục Bưu điện là cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông trong phạm vi cả nước. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp với Tổng cục Bưu điện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông. Điều 6. Chính phủ thống nhất quản lý giá, cước và phí bưu chính, viễn thông. Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện công bố giá và cước bưu chính, viễn thông theo quy định của Chính phủ. Điều 7. Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện quyết định và công bố việc đóng, mở các dịch vụ bưu chính, viễn thông trong nước và với nước ngoài bao gồm cả việc đóng, mở các dịch vụ thử nghiệm và việc thiết lập thông tin máy tính qua mạng lưới viễn thông công cộng; quyết định và công bố việc đóng, mở các bưu cục ngoại dịch, bưu cục kiểm quan, các đài duyên hải công cộng và chuyên dùng. CHƯƠNG II MỤC I. MẠNG LƯỚI BƯU CHÍNH CÔNG CỘNG Điều 8. Mạng lưới bưu chính công cộng bao gồm các trung tâm kỹ thuật, khai thác, vận chuyển và điều hành bưu chính, các tuyến đường thư, hệ thống bưu cục, điểm phục vụ, đại lý được tổ chức trong cả nước. Mạng lưới bưu chính công cộng được tổ chức và phát triển theo qui hoạch, kế hoạch và theo các chỉ tiêu, tiêu chuẩn, qui phạm kỹ thuật, thể lệ khai thác thống nhất do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành để cung cấp các dịch vụ bưu chính cho toàn xã hội. Điều 9. 1. Mạng lưới bưu chính công cộng phải hoạt động liên tục, kể cả ngày lễ và chủ nhật. Các ngành có liên quan phải phối hợp và tạo các điều kiện cần thiết để mạng lưới bưu chính công cộng hoạt động thông suốt, liên tục. 2. Tổng cục Bưu điện qui định giờ mở cửa phục vụ của các loại bưu cục. Các bưu cục phải niêm yết giờ mở cửa để phục vụ người sử dụng dịch vụ bưu chính. MỤC II. DỊCH VỤ BƯU CHÍNH I. CÁC LOẠI DỊCH VỤ Điều 10.- Dịch vụ bưu chính là dịch vụ nhận gửi, chuyển, phát thư, báo chí, ấn phẩm, tiền, vật phẩm, hàng hoá và các sản phẩm vật chất khác thông qua mạng lưới bưu chính công cộng do doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính cung cấp. Điều 11. Dịch vụ bưu chính bao gồm: 1. Dịch vụ bưu phẩm; 2. Dịch vụ bưu kiện đến 31,5 kg; 3. Dịch vụ bưu kiện trên 31,5 kg ( Bưu kiện nặng ); 4. Dịch vụ phát hành báo chí và ấn phẩm định kỳ; 5. Dịch vụ tài chính bưu chính. Các dịch vụ bưu chính được cung cấp, sử dụng theo các thể lệ dịch vụ bưu chính. Tổng cục Bưu điện ban hành các thể lệ dịch vụ bưu chính. II. CÁC DỊCH VỤ BƯU PHẨM, BƯU KIỆN, Điều 12. Bưu phẩm, bưu kiện thuộc quyền định đoạt của người gửi khi chưa phát được cho người nhận hoặc người được người nhận uỷ quyền, trừ trường hợp bị tịch thu hoặc tiêu huỷ theo qui định của pháp luật. Người gửi chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tin tức, vật phẩm, hàng hoá, ấn phẩm gửi trong bưu phẩm, bưu kiện. Điều 13. 1. Bưu phẩm bao gồm: thư, bưu thiếp, ấn phẩm, học phẩm dùng cho người mù và gói nhỏ. Bưu phẩm được nhận gửi, chuyển, phát theo thể lệ bưu phẩm. 2. Thư là bản chữ viết, sao hoặc in mang nội dung thông tin riêng giữa người gửi và người nhận. Thư được bỏ trong phong bì, dán kín và được bảo đảm bí mật theo qui định của Hiến pháp. Người gửi và người nhận có thể là tổ chức hoặc cá nhân. 3. Bưu kiện là kiện hàng hoá, vật phẩm. Bưu kiện được nhận gửi, chuyển, phát theo thể lệ bưu kiện. Điều 14. 1. Cấm gửi trong bưu phẩm, bưu kiện: a) Trong nước: ấn phẩm, vật phẩm, hàng hoá mà Nhà nước cấm lưu thông, lưu hành; vật hoặc chất gây nổ, gây cháy, gây nguy hiểm hoặc làm mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường; b) Đi nước ngoài và từ nước ngoài đến Việt Nam: ấn phẩm, vật phẩm, hàng hoá mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấm xuất khẩu, nhập khẩu hoặc nước nhận cấm nhập khẩu; hàng hoá buôn lậu; vật hoặc chất gây nổ, gây cháy, gây nguy hiểm hoặc làm mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường. 2. Các loại kim loại quý, đá quý hoặc sản phẩm chế tạo từ kim loại quý, đá quý chỉ được gửi trong bưu phẩm, bưu kiện khai giá. Tiền và ngân phiếu có giá trị như tiền chỉ được gửi bằng dịch vụ chuyển tiền. 3. Hàng hoá chịu thuế phải có chứng từ đã nộp thuế theo quy định của pháp luật. Điều 15. Bưu phẩm (trừ thư và bưu thiếp), bưu kiện gửi từ Việt Nam đi nước ngoài và từ nước ngoài đến Việt Nam phải qua kiểm tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Các cơ quan nhà nước có liên quan có trách nhiệm tổ chức, làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu bưu phẩm, bưu kiện thuận tiện. Điều 16. 1. Tổ chức, cá nhân làm dịch vụ vận tải bằng ô tô, tàu bay, tàu hoả, tàu thuỷ có trách nhiệm ưu tiên vận chuyển bưu phẩm, bưu kiện, báo chí trên tất cả các tuyến vận tải theo hợp đồng ký với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính. 2. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện vận tải có trách nhiệm bảo đảm an toàn bưu phẩm, bưu kiện, báo chí trong quá trình vận chuyển. Trong trường hợp phương tiện vận tải có vận chuyển bưu phẩm, bưu kiện, báo chí bị tai nạn hoặc hư hỏng trên đường vận chuyển, chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện vận tải phải tổ chức việc bảo vệ và lưu thoát nhanh các túi, gói bưu phẩm, bưu kiện, báo chí. Chính quyền sở tại phải tạo điều kiện để bảo vệ các túi, gói bưu phẩm, bưu kiện, báo chí đó. 3. Trên các phương tiện vận tải công cộng, các túi, gói bưu phẩm, bưu kiện, báo chí được để trong toa riêng, buồng riêng. Trong trường hợp chưa có toa riêng, buồng riêng, chủ phương tiện phải bố trí chỗ để túi, gói bưu phẩm, bưu kiện, báo chí an toàn, cách biệt với hành khách, hàng hoá. 4. Các chủ phương tiện vận tải hành khách hoặc hàng hoá xuất phát từ Việt Nam hoặc quá cảnh Việt Nam đến các nước có quan hệ bưu chính với nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải vận chuyển bưu phẩm, bưu kiện, báo chí của Việt Nam theo chỉ định của cơ quan quản lý vận tải. 5. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính được tổ chức lực lượng vận tải chuyên ngành. Phương tiện vận tải chuyên ngành phải sơn mầu thống nhất và in biểu tượng bưu chính. 6. Phương tiện vận tải chuyên ngành phương tiện vận tải công cộng có vận chuyển bưu phẩm, bưu kiện, báo chí bằng đường bộ được ưu tiên: a) Qua phà, cầu hoặc những đoạn đường có trở ngại về giao thông; b) Kiểm soát trước, nếu cơ quan có thẩm quyền kiểm soát phương tiện vận tải trên đường; c) Đi, đến, đỗ tại các bưu cục và các điểm giao nhận trong các đô thị để giao nhận túi, gói bưu phẩm, bưu kiện, báo chí. Điều 17. Cấm mở để khám xét các túi, gói bưu phẩm, bưu kiện trên đường vận chuyển, trừ những trường hợp đặc biệt khẩn cấp về an ninh quốc gia do Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện quy định. Điều 18. Việc vận chuyển túi thư ngoại giao được thực hiện theo các điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia. Điều 19. Các tổ chức và cá nhân không được làm dịch vụ mang thư từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam, trừ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính. Điều 20. Trong trường hợp khẩn cấp về an ninh quốc gia và thiên tai, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được trưng dụng các phương tiện vận tải để vận chuyển công văn, mệnh lệnh và các văn bản khẩn cấp khác. Điều 21. Bưu phẩm, bưu kiện, báo chí được phát tại: 1. Địa chỉ người nhận; 2. Bưu cục; 3. Hộp thư thuê bao. Tổng cục Bưu điện quy định việc phát bưu phẩm, bưu kiện, báo chí trong những trường hợp khác. Điều 22. Bưu phẩm, bưu kiện không phát được cho người nhận hoặc người được người nhận uỷ quyền và cũng không hoàn trả được cho người gửi hoặc người có quyền nhận, thì sau thời hạn 12 tháng, kể từ ngày gửi được coi là bưu phẩm, bưu kiện vô thừa nhận. Điều 23. Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện và Bộ trưởng Bộ Tài chính qui định thể thức xử lý bưu phẩm, bưu kiện vô thừa nhận dựa trên những nguyên tắc sau đây: 1. ấn phẩm, giấy tờ hoặc vật phẩm cần để nghiên cứu hoặc lưu trữ được giao cho cơ quan hoặc tổ chức có liên quan. Giấy tờ, ấn phẩm khác được lưu giữ tại nơi xử lý 6 tháng, sau đó được tiêu huỷ; 2. Hàng hoá được định giá và bán. Tiền bán hàng hóa được gửi vào tài khoản tạm gửi tại ngân hàng. Trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày gửi vào tài khoản, nếu có chứng cứ đầy đủ, người có quyền nhận được nhận lại số tiền đã bán hàng sau khi trừ đi những chi phí hợp lý. Quá thời hạn trên, tiền bán hàng hoá được nộp vào ngân sách Nhà nước. Những vật phẩm, hàng hoá bị hư hỏng hoàn toàn được tiêu huỷ; 3. Việc xử lý bưu phẩm, bưu kiện vô thừa nhận phải do một hội đồng giải quyết và được lập thành biên bản. III. CÁC DỊCH VỤ TÀI CHÍNH BƯU CHÍNH Điều 24. Các dịch vụ tài chính bưu chính bao gồm: 1. Chuyển tiền; 2. Séc bưu chính; 3. Thanh toán qua bưu chính; 4. Thu và trả tiền; 5. Các dịch vụ ngân vụ. Điều 25. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính được cung cấp các dịch vụ tài chính bưu chính theo các điều kiện do pháp luật quy định và phải có giấy phép hoạt động do cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cấp. Điều 26. Tiền gửi, tiền thanh toán qua các dịch vụ tài chính bưu chính thuộc quyền định đoạt của người gưỉ cho đến khi trả tiền hoặc thanh toán xong, trừ trường hợp bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Điều 27. Tiền gửi, tiền thanh toán qua các dịch vụ tài chính bưu chính không trả hoặc không thanh toán được với người nhận hoặc người được người nhận uỷ quyền và cũng không hoàn trả được người gửi hoặc người có quyền hưởng, thì sau 12 tháng kể từ ngày gửi được coi là tiền vô thừa nhận. Điều 28. Tiền vô thừa nhận được gửi vào tài khoản tạm gửi tại ngân hàng. Trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày gửi vào tài khoản, nếu có chứng cứ đầy đủ, người có quyền hưởng được nhận lại tiền. Quá thời hạn trên, tiền vô thừa nhận được nộp vào ngân sách Nhà nước. MỤC III: TEM BƯU CHÍNH Điều 29. Tem bưu chính là ấn phẩm đặc biệt dùng làm phương tiện thanh toán cước phí bưu phẩm, đồng thời được dùng làm tem chơi. Tổng cục Bưu điện là cơ quan duy nhất phát hành tem bưu chính Việt Nam. Điều 30. Việc phát hành tem bưu chính phải tuân theo các quy định sau đây: 1. Xây dựng chương trình đề tài tem bưu chính 5 năm và hàng năm. Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện quyết định chương trình đề tài tem bưu chính. Việc phát hành tem bưu chính để kỷ niệm những ngày lễ lớn, những sự kiện lớn trong nước và quốc tế phải được sự nhất trí của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; 2. Duyệt mẫu tem: mẫu tem đã thiết kế phải được Hội đồng tư vấn do Tổng cục Bưu điện thành lập thẩm định. Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện căn cứ vào ý kiến của Hội đồng để phê duyệt mẫu tem; 3. In tem: Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện quyết định việc in tem, kể cả số lượng in và nơi in. Tem có thể được in ở trong nước hoặc ngoài nước, song phải bảo đảm an toàn và có hiệu quả kinh tế; 4. Phát hành tem: tem bưu chính chỉ có giá trị sử dụng sau khi đã có thông báo phát hành của Tổng cục Bưu điện. Những tem bưu chính phát hành đặc biệt được khắc dấu kỷ niệm và có phong bì ngày phát hành đầu tiên. Điều 31. Giá bán tem bưu chính để trả cước phí bưu phẩm là giá in trên con tem. Trong trường hợp cần thu thêm tiền để ủng hộ quĩ xã hội vì lý do nhân đạo thì phải được phép của Thủ tướng Chính phủ và phải phát hành loại tem bưu chính có in thêm số tiền phụ thu. Điều 32. Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện qui định việc kinh doanh tem chơi trong nước và kinh doanh tem chơi với nước ngoài, quy định việc xuất khẩu tem bưu chính Việt Nam và nhập khẩu tem bưu chính nước ngoài. Điều 33. Tem bưu chính được bảo vệ và lưu trữ theo quy định của pháp luật. CHƯƠNG III MỤC I. MẠNG LƯỚI VIỄN THÔNG CÔNG CỘNG Điều 34. Mạng lưới viễn thông công cộng bao gồm hệ thống đường trục viễn thông quốc gia (hệ thống chuyển mạch, truyền dẫn liên tỉnh và quốc tế), hệ thống nội tỉnh, nội hạt, hệ thống các điểm phục vụ và các hệ thống thiết bị đầu cuối. Mạng lưới viễn thông công cộng được tổ chức và phát triển theo qui hoạch, kế hoạch và được quản lý, khai thác theo các chỉ tiêu, tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật, thể lệ khai thác thống nhất do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc cho phép áp dụng để cung cấp các dịch vụ viễn thông cho toàn xã hội. Nhà nước thống nhất tổ chức và quản lý hệ thống đường trục viễn thông quốc gia. Điều 35. Mạng lưới viễn thông công cộng phải được hoạt động liên tục suốt ngày đêm, trong mọi tình huống. Điều 36. Hoạt động của mạng lưới viễn thông công cộng không được gây hại đến môi trường và các hoạt động kinh tế, xã hội. Các hoạt động kinh tế, xã hội không được làm ảnh hưởng đến hoạt động của mạng lưới viễn thông công cộng, đặc biệt là không được gây nhiễu có hại, làm hỏng các đường dây, cáp, anten và hệ thống thiết bị viễn thông. Mọi vi phạm phải bị xử lý theo pháp luật. MỤC 2. DỊCH VỤ VIỄN THÔNG Điều 37. Dịch vụ viễn thông là dịch vụ truyền đưa, lưu trữ và cung cấp thông tin bằng hình thức truyền dẫn, phát, thu những ký hiệu, tín hiệu, số liệu, chữ viết, âm thanh, hình ảnh thông qua mạng lưới viễn thông công cộng do doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cung cấp. Điều 38. Dịch vụ viễn thông bao gồm: 1. Dịch vụ điện thoại; 2. Dịch vụ điện báo; 3. Dịch vụ Telex; 4. Dịch vụ Facimile (Faximin); 5. Dịch vụ truyền số liệu; 6. Dịch vụ thuê kênh viễn thông; 7. Dịch vụ truyền hình, truyền ảnh; 8. Dịch vụ truyền báo điện tử; 9. Dịch vụ đa phương tiện (Multi Media); 10. Dịch vụ điện thoại di động; 11. Dịch vụ nhắn tin; 12. Các dịch vụ Internet; 13. Các dịch vụ lưu trữ và cung cấp thông tin. Các dịch vụ viễn thông được cung cấp, sử dụng theo các thể lệ dịch vụ viễn thông. Tổng cục Bưu điện ban hành các thể lệ dịch vụ viễn thông. Điều 39. Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký thuê bao viễn thông tại địa chỉ của mình hoặc sử dụng dịch vụ viễn thông tại các bưu cục và điểm phục vụ theo các thể lệ dịch vụ viễn thông. Người sử dụng dịch vụ viễn thông được phục vụ suốt ngày đêm, kể cả ngày lễ và chủ nhật. Trường hợp doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông không phục vụ được theo yêu cầu của người sử dụng, phải báo cho người sử dụng biết rõ lý do. Người sử dụng dịch vụ viễn thông chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin khi sử dụng dịch vụ viễn thông. Người thuê bao viễn thông không được sử dụng thiết bị thuê bao để kinh doanh các dịch vụ viễn thông. Điều 40. Việc thiết kế, lắp đặt thiết bị hoặc mạng lưới thuê bao viễn thông có thể do người thuê bao tự đảm nhiệm hoặc thuê tổ chức, cá nhân khác đảm nhiệm, song phải tuân thủ các qui trình, qui phạm kỹ thuật của Nhà nước. Việc đấu nối từ địa chỉ thuê bao vào mạng lưới viễn thông công cộng do doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông thực hiện. Điều 41. 1. Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện quyết định việc đóng, mở các đường liên lạc viễn thông liên tỉnh trong nước và ra nước ngoài thuộc hệ thống đường trục viễn thông quốc gia; qui định việc thuê và cho thuê kênh viễn thông thuộc hệ thống trên. 2. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông được sử dụng kênh của hệ thống đường trục viễn thông quốc gia để cung cấp các dịch vụ viễn thông theo qui định của Tổng cục Bưu điện. 3. Các cơ quan, tổ chức có mạng viễn thông chuyên dùng được thuê kênh để liên lạc nội bộ. Điều 42. Việc quản lý, thiết lập, cung cấp và sử dụng mạng lưới, dịch vụ Internet tại Việt Nam được thực hiện theo Quy chế tạm thời về quản lý, thiết lập, sử dụng mạng Internet ở Việt Nam, ban hành kèm theo Nghị định số 21/CP ngày 5 tháng 3 năm 1997 của Chính phủ và Quyết định số 136/TTg ngày 5 năm 3 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ. Về việc thành lập Ban điều phối quốc gia mạng Internet ở Việt Nam. Điều 43. Dịch vụ viễn thông được chia thành các mức độ ưu tiên phục vụ khác nhau theo chỉ tiêu thời gian để mọi tổ chức, cá nhân sử dụng. Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện quy định các mức độ ưu tiên. Điều 44. Các loại thông tin sau đây được ưu tiên phục vụ ngay: 1. Phòng chống bão lụt, hoả hoạn, thiên tai khác; 2. Cấp cứu và phòng chống dịch bệnh cho người; 3. Thông tin khẩn cấp về quốc phòng, an ninh; 4. Thông tin cứu nạn, cứu hộ khi tàu bay, tàu thuỷ lâm nguy, lâm nạn; 5. Thông tin công ích khẩn cấp khác. Trong những trường hợp khẩn cấp kể trên, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện quyết định huy động một phần hay toàn bộ mạng lưới viễn thông, kể cả công cộng và chuyên dùng, vào việc phục vụ các nhu cầu khẩn cấp này. Điều 45. Các đối tượng sau đây được ưu tiên phục vụ khi sử dụng các dịch vụ viễn thông: 1. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc tương đương; 2. Nguyên thủ quốc gia, trưởng đoàn đại biểu Chính phủ nước ngoài đến Việt Nam, người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế liên Chính phủ tại Việt Nam. Điều 46. Điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng dịch vụ viễn thông gọi chung là điện văn. Cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp, các đơn vị lực lượng vũ trang, cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế được hưởng quy chế ngoại giao được dùng tiếng mật trong các điện văn. Các đối tượng khác muốn dùng tiếng mật trong điện văn phải đăng ký và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép. Điều 47. Điện văn được phát tại: 1. Địa chỉ người nhận; 2. Bưu cục; 3. Qua thuê bao viễn thông. Tổng cục Bưu điện quy định việc phát điện văn trong những trường hợp khác. Điều 48. Điện văn không phát được phải báo cho người gửi biết và được lưu giữ trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày gửi. Qúa thời hạn này, điện văn đó được huỷ bỏ. MỤC 3. MẠNG LƯỚI VIỄN THÔNG CHUYÊN DÙNG Điều 49. Mạng lưới viễn thông chuyên dùng do một cơ quan, một tổ chức, một doanh nghiệp thiết lập để sử dụng làm phương tiện liên lạc bằng các phương thức thoại hoặc phi thoại trong nội bộ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó. Việc thiết lập mạng lưới viễn thông chuyên dùng trong lãnh thổ Việt Nam theo quy định của Nghị định này. Bộ Ngoại giao được thiết lập mạng lưới viễn thông chuyên dùng để liên lạc với các cơ quan đại diện ngoại giao của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài. Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện quy định việc thiết lập và hoạt động của các đài thông tin vô tuyến điện của các cơ quan, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam. Điều 50. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp muốn thiết lập mạng lưới viễn thông chuyên dùng phải bảo đảm các điều kiện sau đây: 1. Có mục đích sử dụng rõ ràng; 2. Có cấu trúc và thiết kế mạng lưới, phương thức và phạm vi hoạt động, có các chỉ tiêu, tiêu chuẩn kỹ thuật của mạng lưới, của thiết bị. Tổng cục Bưu điện qui định việc tiếp nhận yêu cầu, thẩm tra hồ sơ và cấp giấy phép thiết lập mạng lưới. Mạng lưới viễn thông chuyên dùng chỉ được hoạt động sau khi có giấy phép của Tổng cục Bưu điện. Điều 51. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được phép thiết lập mạng lưới viễn thông chuyên dùng phải bảo đảm các yêu cầu sau đây: 1. Hoạt động đúng pháp luật và quy định của giấy phép; 2. Không được sử dụng mạng lưới viễn thông chuyên dùng để kinh doanh các dịch vụ viễn thông công cộng; 3. Không gây nhiễu có hại hoặc làm ảnh hưởng đến hoạt động của mạng lưới viễn thông công cộng và các mạng chuyên dùng khác; 4. Không được đấu nối trực tiếp vào mạng lứơi viễn thông chuyên dùng khác. Điều 52. Việc đấu nối mạng lưới viễn thông chuyên dùng vào mạng lưới viễn thông công cộng phải bảo đảm các điều kiện sau đây: 1. Có các tiêu chuẩn kỹ thuật của mạng lưới và thiết bị phù hợp với mạng lưới viễn thông công cộng; 2. Thực hiện đúng quy định đấu nối, hoà mạng và khai thác. Điều 53. Mạng lưới viễn thông chuyên dùng phải hoạt động theo đúng quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật; chịu sự kiểm tra, kiểm soát của Tổng cục Bưu điện và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. CHƯƠNG IV MỤC I Điều 54. Phổ tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh địa tĩnh thuộc chủ quyền Vịêt Nam là tài nguyên của quốc gia, phải được khai thác, sử dụng đúng pháp luật và có hiệu quả. Các thiết bị phát sóng ở giải tần từ 9KHz đến 400GHz phải sử dụng tần số đúng nghiệp vụ đã được phân bổ hoặc ấn định theo qui hoạch tần số quốc gia. Quy hoạch tần số quốc gia do Tổng cục Bưu điện xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Điều 55. Các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam (trừ Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ có qui định riêng) muốn lắp đặt, sử dụng, dự trữ thiết bị phát sóng vô tuyến điện trên lãnh thổ Việt Nam (kể cả trên các phương tiện vận tải) và sử dụng tần số vô tuyến điện thuộc các nghiệp vụ cố định, lưu động, phát thanh, truyền hình, hàng không, hàng hải, đạo hàng, định vị, vệ tinh, phát chuẩn và các nghiệp vụ khác phải xin phép Tổng cục Bưu điện và chỉ được lắp đặt, sử dụng, dự trữ khi có giấy phép. Khi thay đổi tần số, băng tần số, công suất phát, di chuyển các thiết bị phát sóng vô tuyến điện kể trên phải được phép của Tổng cục Bưu điện. Điều kiện để được cấp giấy phép lắp đặt, sử dụng, dự trữ thiết bị phát sóng vô tuyến điện: 1. Có mục đích sử dụng rõ ràng; 2. Thiết bị bảo đảm các chỉ tiêu, tiêu chuẩn kỹ thuật do Nhà nước quy định; 3. Người khai thác thiết bị có chứng chỉ chuyên môn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Điều 56. Nghiêm cấm: 1. Lắp đặt, sử dụng, dự trữ thiết bị phát sóng vô tuyến điện và sử dụng tần số vô tuyến điện không có giấy phép; 2. Xuất khẩu, nhập khẩu trái phép các thiết bị phát sóng vô tuyến điện; 3.Gây nhiễu có hại; 4. Sử dụng sai mục đích các tần số cấp cứu, an toàn quốc tế và quốc gia. Điều 57. Các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài muốn xuất khẩu, nhập khẩu thiết bị phát sóng vô tuyến điện phải được Tổng cục Bưu điện chấp thuận. Điều 58. Các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam đã được cấp giấy phép sử dụng thiết bị phát sóng và tần số vô tuyến điện, khi giấy phép hết hạn hoặc ngừng hoạt động phải báo cáo bằng văn bản cho Tổng cục Bưu điện. Nếu muốn sử dụng tiếp thì xin phép gia hạn theo quy định của Tổng cục Bưu điện. Điều 59. Các thiết bị thông tin liên lạc đặt trên tàu biển, tàu bay nước ngoài phải ngừng hoạt động khi tàu biển vào vùng nội thuỷ, tàu bay đậu xuống sân bay của Việt Nam. Mọi liên lạc viễn thông với bất cứ nơi nào thực hiện theo pháp luật Việt Nam. Các tàu biển, tàu bay của Việt Nam và nước ngoài ra, vào, trú đậu tại các cảng, sân bay của Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và chịu sự kiểm tra của các cơ quan quản lý có thẩm quyền của Nhà nước Việt Nam về các loại giấy phép và chứng chỉ có liên quan đến việc sử dụng thiết bị phát sóng vô tuyến điện. Tàu biển, tàu bay đi qua lãnh thổ Việt Nam chịu sự giám sát của Tổng cục Bưu điện về việc sử dụng tần số vô tuyến điện. Điều 60. Các tổ chức, cá nhân đã được phép sử dụng thiết bị phát sóng và tần số vô tuyến điện phải áp dụng các biện pháp sau đây để chống gây nhiễu có hại: 1. Giữ đúng tần số phát trong phạm vi sai lệch tần số cho phép; 2. Giảm mức bức xạ sóng hài, bức xạ ký sinh ở trị số thấp nhất; 3. Sử dụng phương thức phát sóng có độ rộng băng tần chiếm dụng hẹp nhất; 4. Hạn chế phát sóng ở những hướng không cần thiết; 5. Sử dụng mức công suất nhỏ nhất đủ để bảo đảm chất lượng thông tin. MỤC II. ĐĂNG KÝ QUỐC TẾ TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN Điều 61. Tổng cục Bưu điện có trách nhiệm đăng ký quốc tế tần số vô tuyến điện cho các nghiệp vụ thông tin vô tuyến điện trong cả nước và đăng ký quỹ đạo vệ tinh địa tĩnh. Điều 62. Tổng cục Bưu điện quản lý việc sử dụng quỹ đạo vệ tinh địa tĩnh thuộc chủ quyền Việt Nam, quản lý việc thuê và cho thuê kênh vệ tinh. Điều 63. Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam muốn thiết lập trạm mặt đất hoặc sử dụng hệ thống thiết bị thông tin qua vệ tinh phải xin phép Tổng cục Bưu điện. MỤC III Điều 64. Tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài muốn lắp đặt và sử dụng thiết bị vô tuyến điện nghiệp dư trong lãnh thổ Việt Nam phải xin phép Tổng cục Bưu điện. Người sử dụng thiết bị vô tuyến điện nghiệp dư phải có chứng chỉ vô tuyến điện nghiệp dư hợp pháp; có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của Nghị định này và thể lệ vô tuyến điện nghiệp dư. Tổng cục Bưu điện ban hành thể lệ vô tuyến điện nghiệp dư. MỤC IV Điều 65. Tổng cục Bưu điện có trách nhiệm: 1. Tổ chức và quản lý hệ thống kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng thiết bị phát sóng và tần số vô tuyến điện trong cả nước; 2. Quy định những biện pháp chống nhiễu có hại đến các mạng lưới viễn thông, các cơ sở truyền dẫn tín hiệu và phát sóng phát thanh, truyền hình, các cơ sở thu, phát sóng vô tuyến điện khác theo pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế về thông tin vô tuyến điện mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia. Điều 66. Người sử dụng thiết bị phát sóng vô tuyến điện, thiết bị sinh ra tia lửa điện, thiết bị điện, điện tử dân dụng, hồ quang điện dùng trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, y tế, nghiên cứu khoa học và các lĩnh vực khác phải thực hiện các biện pháp để hạn chế nhiễu theo quy định của Tổng cục Bưu điện. Điều 67. Các tổ chức, cá nhân khi khiếu nại về nhiễu có hại phải có văn bản gửi Tổng cục Bưu điện, trong đó nêu rõ thời gian, địa điểm xảy ra nhiễu và hiện tượng nhiễu của đài bị nhiễu. Tổng cục Bưu điện xử lý nhiễu có hại theo pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế về thông tin vô tuyến điện mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia. MỤC V Điều 68. Uỷ ban Tần số vô tuyến điện là tổ chức liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ: 1. Thẩm tra các dự án chiến lược, quy hoạch tần số vô tuyến điện trước khi trình Thủ tướng Chính phủ; 2. Kiến nghị các biện pháp chống nhiễu có hại và các giải pháp bảo đảm an toàn các giải tần số vô tuyến điện giữa mạng lưới viễn thông chuyên dùng của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ với mạng lưới viễn thông công cộng và các mạng lưới viễn thông khác, các cơ sở truyền dẫn tín hiệu và phát sóng phát thanh, truyền hình; 3. Theo dõi, đôn đốc và giám sát việc phối hợp giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Tổng cục Bưu điện trong việc kiểm soát sử dụng tần số, xử lý nhiễu có hại, bảo đảm an ninh quốc gia và an toàn thông tin liên lạc. Điều 69. Uỷ ban Tần số vô tuyến điện do Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện làm Chủ tịch, một Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, một Thứ trưởng Bộ Nội vụ làm Phó chủ tịch và có các đại diện của một số Bộ, ngành do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Uỷ ban Tần số vô tuyến điện do Thủ tướng Chính phủ quy định. CHƯƠNG V Điều 70. Giá, cước bưu chính, viễn thông bao gồm giá, cước bưu chính, viễn thông trong nước và giá, cước bưu chính, viễn thông quốc tế. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ bưu chính, viễn thông đều phải trả cước theo quy định hiện hành. Phí và lệ phí bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện được ban hành và thực hiện theo quy định của pháp luật. Điều 71. 1. Chính phủ qui định khung giá, cước chuẩn một số sản phẩm và dịch vụ bưu chính, viễn thông mang tính xã hội, công ích cao. 2. Tổng cục Bưu điện qui định khung giá, cước chuẩn các sản phẩm và dịch vụ bưu chính, viễn thông mang tính xã hội, công ích cao ngoài danh mục do Chính phủ quy định. 3. Doanh nghiệp bưu chính, viễn thông quyết định mức giá, cước các sản phẩm, dịch vụ trong khung giá, cước do Nhà nước qui định; quyết định mức giá, cước các sản phẩm, dịch vụ mà Nhà nước không quy định. 4. Giá, cước bưu chính, viễn thông phải được niêm yết công khai tại những nơi giao dịch. Điều 72. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông phải hoàn trả tiền cước đã thu trong những trường hợp sau đây: 1. Tính sai giá cước theo qui định hiện hành; 2. Làm mất mát, hư hỏng, nhầm lẫn bưu phẩm, bưu kiện, tiền gửi do lỗi của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ; 3. Không bảo đảm chất lượng dịch vụ theo hợp đồng đã ký kết; 4. Chậm chỉ tiêu thời gian đối với những dịch vụ chất lượng cao có qui định chỉ tiêu thời gian; Ngoài ra doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phải bồi thường thiệt hại theo qui định tại Nghị định này. Điều 73. Bộ Tài chính và Tổng cục Bưu điện qui định các loại phí, lệ phí bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện, mức thu và tổ chức thu. Điều 74. Tổng cục Bưu điện quy định giá hoặc khung giá thanh toán giữa các doanh nghiệp cùng tham gia cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông. Việc thanh toán được thông qua hợp đồng hoặc thoả thuận khác bằng văn bản giữa các doanh nghiệp. CHƯƠNG VI MỤC I. KHIẾU NẠI. Điều 75. Người sử dụng dịch vụ bưu chính, viễn thông có quyền khiếu nại về những sai sót của doanh nghiệp trong việc cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông. Khi khiếu nại, phải cung cấp những giấy tờ, chứng cứ liên quan đến việc khiếu nại và chịu trách nhiệm về nội dung khiếu nại của mình. Điều 76. Thời hiệu khiếu nại như sau: 1. Đối với các dịch vụ bưu chính trong nước: không quá 12 tháng kể từ ngày sử dụng dịch vụ; 2. Đối với các dịch vụ viễn thông trong nước: không quá 3 tháng kể từ ngày sử dụng dịch vụ; 3. Đối với cước phí: không quá 01 tháng kể từ ngày thanh toán cước phí; 4. Đối với các dịch vụ bưu chính, viễn thông quốc tế: thực hiện theo các điều ước quốc tế về bưu chính, viễn thông mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Trừ những trường hợp đặc biệt do Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện quy định, các khiếu nại không được giải quyết sau khi hết thời hiệu. Điều 77. 1. Cơ sở nhận khiếu nại phải báo nhận bằng văn bản tới người khiếu nại trong thời hạn 48 giờ kể từ khi nhận khiếu nại. 2. Các khiếu nại của người sử dụng dịch vụ bưu chính, viễn thông phải được điều tra, kết luận và giải quyết xong, chậm nhất không quá 02 tháng kể từ ngày nhận khiếu nại đối với các dịch vụ bưu chính, viễn thông trong nước và 03 tháng đối với các dịch vụ bưu chính, viễn thông quốc tế. 3. Mọi khiếu nại phải được giải quyết theo đúng pháp luật và các quy định tại Nghị định này. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông phải thông báo kết quả giải quyết cho người khiếu nại. Điều 78. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông có quyền khiếu nại về các vi phạm của người sử dụng dịch vụ bưu chính, viễn thông hoặc các vi phạm khác làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp hoặc gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại được thực hiện theo quy định của pháp luật. MỤC II. BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI Điều 79. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ của mình trong việc cung cấp dịch vụ bưu chính thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Nghị định này. Điều 80. Việc bồi thường thiệt hại được qui định như sau: 1. Đối với bưu phẩm ghi số, bưu phẩm chuyển phát nhanh: bồi thường theo loại bưu phẩm và nấc khối lượng; 2. Đối với bưu kiện từ 31,5 kg trở xuống: bồi thường theo nấc khối lượng; 3. Đối với bưu phẩm, bưu kiện khai giá: bồi thường theo giá mà người gửi đã khai khi gửi bưu phẩm, bưu kiện. 4. Đối với bưu kiện trên 31,5 kg (bưu kiện nặng): bồi thường theo quy định của pháp luật về vận chuyển hàng hoá; 5. Đối với tiền trong các dịch vụ tài chính bưu chính: hoàn lại tiền gửi và trả lãi theo quy định tại Khoản 2, Điều 313, Bộ Luật Dân sự; 6. Đối với bưu phẩm, bưu kiện, phiếu chuyển tiền quốc tế: bồi thường theo quy định của Điều ước quốc tế về bưu chính. Ngoài ra, doanh nghiệp phải hoàn lại cước phí đã thu và bồi thường tiền thuế đã nộp tại Việt Nam (nếu có). Điều 81. Trong các trường hợp bồi thường thiệt hại về bưu phẩm, bưu kiện, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính chỉ bồi thường bằng tiền Việt Nam. Điều 82. Số tiền bồi thường được trả cho người gửi, nhưng nếu người gửi yêu cầu thì được trả cho người nhận. Riêng bưu phẩm, bưu kiện bị hư hỏng hoặc mất một phần, nếu được người nhận thoả thuận thì vẫn phát phần còn lại và bồi thường thiệt hại phần mất mát, hư hỏng cho người nhận. Sau khi đã bồi thường, nếu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính xác minh bưu phẩm, bưu kiện, tiền đã phát hợp lệ hoặc bị hư hỏng, chậm trễ, phát nhầm do thiếu sót của người gửi thì người đã được nhận bồi thường phải hoàn trả lại số tiền bồi thường đã nhận. Điều 83. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong những trường hợp sau đây: 1. Những trường hợp bất khả kháng; 2. Do lỗi của người gửi; 3. Vật gửi bị huỷ hoại do đặc tính tự nhiên; 4. Bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền tịch thu bưu phẩm, bưu kiện, tiền theo quy định của pháp luật; 5. Bưu phẩm gửi thường. Điều 84. Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện quy định chi tiết việc bồi thường thiệt hại và các mức tiền bồi thường. Điều 85. Nếu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông không bảo đảm chất lượng hoặc chỉ tiêu thời gian dịch vụ đã công bố hoặc đã thỏa thuận trong hợp đồng thì doanh nghiệp phải hoàn lại một phần hay toàn bộ cước đã thu. CHƯƠNG VII. Điều 86. Thiết bị, vật liệu bưu chính, viễn thông bao gồm các loại thiết bị, vật liệu chuyên dùng trên mạng lưới bưu chính, viễn thông công cộng và các mạng lưới viễn thông chuyên dùng. Tổng cục Bưu điện qui định danh mục thiết bị, vật liệu bưu chính, viễn thông bao gồm cả thiết bị lẻ và thiết bị toàn bộ. Điều 87. Việc sản xuất, lắp ráp thiết bị, vật liệu bưu chính, viễn thông tại Việt Nam để thay thế hàng nhập khẩu được thực hiện theo pháp luật và theo quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành bưu điện. Tổng cục Bưu điện đề xuất với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định những biện pháp khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này. Điều 88. Thiết bị, vật liệu bưu chính, viễn thông sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu để sử dụng trong nước phải phù hợp với công nghệ, mạng lưới bưu chính, viễn thông Việt Nam và bảo đảm các chỉ tiêu, tiêu chuẩn kỹ thuật do Nhà nước ban hành hoặc cho phép áp dụng. Tổng cục Bưu điện quy định danh mục thiết bị, vật liệu bưu chính, viễn thông sản xuất trong nước, nhập khẩu phải qua giám định chất lượng và tổ chức việc giám định các thiết bị, vật liệu đó trước khi được phép lưu thông trên thị trường Việt Nam hoặc lắp đặt trên các mạng lưới bưu chính, viễn thông. CHƯƠNG VIII Điều 89. Khi xây dựng các công trình bưu chính, viễn thông (bao gồm các công trình thuộc mạng lưới bưu chính, viễn thông công cộng và các mạng lưới viễn thông chuyên dùng), chủ công trình phải bảo đảm: 1. Đầu tư, xây dựng công trình đúng qui hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới đã được duyệt; đúng quy trình, quy phạm, định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành bưu chính, viễn thông; 2. Đúng quy định của Nhà nước về xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; 3. Chịu sự kiểm tra chuyên ngành bưu chính, viễn thông của Tổng cục Bưu điện; Tổng cục Bưu điện được quyền đình chỉ hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ việc xây dựng, lắp đặt nếu phát hiện các vi phạm. Điều 90. 1.Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông được ưu tiên: a) Sử dụng không gian, mặt đất, lòng đất, đáy sông, đáy biển để xây dựng công trình bưu chính,viễn thông; b) Xây dựng đường dây, cáp nổi hoặc chìm đặt trong nhà và ngoài đường, trên các tuyến giao thông; xây dựng hệ thống anten và các công trình liên quan khác ở những nơi cần thiết phù hợp với yêu câù kỹ thuật; c) Xây dựng các trung tâm kỹ thuật, khai thác và điều hành bưu chính, viễn thông, các bưu cục, các buồng điện thoại công cộng, hòm thư bưu chính ở các địa điểm phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, khai thác và thuận tiện cho người sử dụng tại các đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất và ở tại những nơi cần thiết khác; d) Đặt các cơ sở giao dịch và khai thác tại các nhà ga, bến xe, cảng hàng không, cảng biển và các đầu mối giao thông khác để phục vụ nhu cầu của người sử dụng và giao nhận túi, gói bưu phẩm, bưu kiện trong nước và với nước ngoài. Việc thiết kế và xây dựng các cơ sở bưu chính, viễn thông tại các đầu mối giao thông nói trên do chủ công trình nơi đó phụ trách có sự tham gia của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông. 2. Việc xây dựng các công trình bưu chính, viễn thông nói trên được thực hiện theo pháp luật và phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều 91. Các tổ chức, cá nhân khi xây dựng hoặc sửa chữa công trình của mình phải thực hiện các quy định kỹ thuật về bảo đảm an toàn công trình bưu chính, viễn thông; không được làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các công trình bưu chính, viễn thông đã xây dựng; không được gây nhiễu đến các thiết bị và mạng lưới viễn thông. Điều 92. Các công trình thuộc mạng lưới viễn thông công cộng chỉ đưa vào vận hành, khai thác khi đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu, tiêu chuẩn kỹ thuật về đấu nối, hoà mạng. Các công trình thuộc mạng lưới viễn thông chuyên dùng chỉ được đưa vào vận hành, khai thác khi đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu, tiêu chuẩn kỹ thuật trong thiết kế đã được Tổng cục Bưu điện duyệt. Điều 93. Tổ chức, cá nhân nước ngoài muốn lắp đặt các tuyến cáp viễn thông trong vùng đặc quyền kinh tế hoặc trong thềm lục địa của Việt Nam phải được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam chấp thuận. Tổng cục Bưu điện tiếp nhận yêu cầu, thẩm tra và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. CHƯƠNG IX Điều 94. Doanh nghiệp bưu chính và viễn thông là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo qui định của pháp luật trong các lĩnh vực sau đây: 1. Cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông; 2. Sản xuất thiết bị, vật liệu bưu chính, viễn thông; 3. Xuất khẩu, nhập khẩu, cung ứng thiết bị, vật liệu bưu chính, viễn thông; 4. Tư vấn, khảo sát, thiết kế và xây dựng công trình bưu chính, viễn thông. Các doanh nghiệp khác muốn xin phép kinh doanh bổ sung một hoặc nhiều ngành nghề thuộc các lĩnh vực trên cũng phải tuân theo các quy định tại Nghị định này. Điều 95. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông là doanh nghiệp nhà nước hoặc công ty cổ phần mà Nhà nước chiếm cổ phần chi phối hoặc cổ phần đặc biệt, được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập để cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông trong nước và quốc tế theo quy định tại Nghị định này. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông phải có hệ thống mạng lưới và thiết bị phù hợp với qui hoạch phát triển mạng lưới bưu chính, viễn thông công cộng, có đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật và khai thác phù hợp với trình độ công nghệ và quy mô hoạt động. Điều 96. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông có các quyền, nghĩa vụ theo quy định chung của pháp luật và các quyền, nghĩa vụ sau đây: 1. Được sử dụng bình đẳng hệ thống đường trục viễn thông quốc gia theo qui định của Tổng cục Bưu điện để cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông; 2. Được phân bổ, ấn định tần số phù hợp với qui hoạch tần số vô tuyến điện; được ấn định mã số mạng theo kế hoạch đánh số các mạng lưới viễn thông của Tổng cục Bưu điện; 3. Được hợp tác với nước ngoài theo những nội dung và hình thức do Thủ tướng Chính phủ quyết định để phát triển mạng lưới và dịch vụ; 4. Được huy động vốn theo quy định của pháp luật; 5. Được hưởng các chế độ trợ cấp, trợ giá và điều tiết của Nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ sản xuất, cung ứng sản phẩm, cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông phục vụ phòng chống thiên tai, vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo và các hoạt động công ích khác hoặc cung cấp sản phẩm, dịch vụ bưu chính, viễn thông theo chính sách giá của nhà nước; 6. Có nghĩa vụ bảo đảm cho mạng lưới hoạt động liên tục, bảo đảm các chỉ tiêu chất lượng mạng lưới và dịch vụ; 7. Có nghĩa vụ ưu tiên phục vụ các nhu cầu thông tin liên lạc của các cơ quan Đảng và Nhà nước, an ninh, quốc phòng, phòng chống thiên tai và hoạt động công ích khác; 8. Có nghĩa vụ thực hiện khung giá, cước do Nhà nước quy định; hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng dịch vụ; 9. Có nghĩa vụ thực hiện các quy định và chịu sự kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bí mật và an toàn thông tin; 10. Chịu sự điều tiết của Nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh dịch vụ bưu chính, viễn thông trong các vùng đô thị, vùng đông dân cư và đối với các dịch vụ bưu chính, viễn thông có lợi nhuận cao để đầu tư phát triển bưu chính, viễn thông ở các vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo. Điều 97. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông Việt Nam muốn làm đại lý cho tổ chức nước ngoài để cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông tại Việt Nam phải xin phép Tổng cục Bưu điện. Tổng cục Bưu điện ban hành Quy chế đại lý cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông. Điều 98. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông chịu sự quản lý, cấp phép và quy định của Tổng cục Bưu điện về thiết lập mạng lưới và cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông. Điều 99. 1. Doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, cung ứng thiết bị, vật liệu, xây dựng công trình bưu chính, viễn thông và các doanh nghiệp khác xin bổ sung sản xuất kinh doanh các ngành nghề trên thì tuỳ theo loại hình doanh nghiệp, được thành lập hoặc bổ sung ngành nghề theo quy định của pháp luật, được hợp tác với nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. 2. Ngoài điều kiện chung theo qui định của pháp luật, doanh nghiệp sản xuất thiết bị, vật liệu bưu chính, viễn thông phải có thêm các điều kiện sau đây: a) Có công nghệ tiên tiến, phù hợp với qui hoạch phát triển ngành bưu điện; b) Sản phẩm phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật do nhà nước qui định; c) Sản xuất, lắp ráp thiết bị phát sóng thông tin vô tuyến điện phải được phép của Thủ tướng Chính phủ. CHƯƠNG X. Điều 100. Thanh tra chuyên ngành Bưu điện có nhiệm vụ và quyền hạn thanh tra tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam về việc chấp hành pháp luật bưu chính, viễn thông. Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của thanh tra chuyên ngành Bưu điện. Điều 101. Khi tiến hành thanh tra, đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên có quyền: 1. Kiểm tra tại chỗ các phương tiện, thiết bị bưu chính, viễn thông, thiết bị thu phát sóng vô tuyến điện, các nguồn gây nhiễu có hại; 2. Kiểm tra các tài liệu, giấy phép, chứng chỉ liên quan đến hoạt động bưu chính, viễn thông; sử dụng thiết bị phát sóng và tần số vô tuyến điện; 3. Đình chỉ, tạm đình chỉ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ các hoạt động vi phạm pháp luật về bưu chính, viễn thông; 4. Xử phạt hành chính theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm; 5. Kiến nghị biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả do vi phạm pháp luật gây ra. Điều 102. Tổ chức, cá nhân phải tạo điều kiện cho đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên thi hành nhiệm vụ; phải chấp hành các quyết định của đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên. Điều 103. Thanh tra chuyên ngành Bưu điện phải tuân thủ pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của mình. Điều 104. 1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền những hành vi vi phạm pháp luật bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện. Cơ quan nhận được khiếu nại, tố cáo có trách nhiệm xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. 2. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại với Thủ trưởng cơ quan ra quyết định thanh tra về kết lụân và biện pháp xử lý của đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên; tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật của đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên trong quá trình thanh tra. Điều 105. Tổ chức, cá nhân vi phạm Nghị định này thì bị xử lý theo quy định của pháp luật. CHƯƠNG XI Điều 106. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký để thay thế Điều lệ Bưu chính và Viễn thông đã ban hành kèm theo Nghị định số 121/HĐBT ngày 15 tháng 8 năm 1987 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ. Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện chịu trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành Nghị định này. Điều 107. Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG
BƯU CHÍNH
PHÁT HÀNH BÁO CHÍ
VIỄN THÔNG
PHỔ TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN VÀ THIẾT BỊ PHÁT SÓNG VÔ TUYẾN ĐIỆN
QUẢN LÝ TẦN SỐ VÀ THIẾT BỊ PHÁT SÓNG VÔ TUYẾN ĐIỆN
VÀ QUỸ ĐẠO VỆ TINH
QUẢN LÝ TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN NGHIỆP DƯ
KIỂM SOÁT VÀ XỬ LÝ NHIỄU CÓ HẠI
UỶ BAN TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN
GIÁ, CƯỚC VÀ PHÍ BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG
KHIẾU NẠI VÀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VỀ DỊCH VỤ BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG
SẢN XUẤT, LẮP RÁP VÀ NHẬP KHẨU THIẾT BỊ, VẬT LIỆU BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG
XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG
DOANH NGHIỆP BƯU CHÍNH VÀ VIỄN THÔNG
THANH TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH