CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/2010/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 25 tháng 01 năm 2010 |
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Năng lượng nguyên tử ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các Điều 65, 80, 82, 90 của Luật Năng lượng nguyên tử và hướng dẫn một số nội dung theo yêu cầu quản lý về phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn.
2. Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế tiến hành các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử tại Việt Nam.
Điều 2. Biện pháp thu hút nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử
1. Chuyên gia có trình độ cao là người có kiến thức, trình độ, kinh nghiệm thực tiễn, am hiểu sâu về một chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, đáp ứng các tiêu chí do Bộ Khoa học và Công nghệ quy định. Chuyên gia có trình độ cao làm việc trong các cơ quan, tổ chức của Nhà nước được hưởng chế độ ưu đãi về:
a) Tuyển dụng làm việc;
b) Bổ nhiệm vào vị trí chủ trì các nhiệm vụ khoa học, công nghệ và quản lý;
c) Điều kiện làm việc;
d) Xếp lương phù hợp với trình độ và kinh nghiệm thực tiễn;
đ) Phương tiện đi lại, nhà ở;
e) Giao lưu khoa học và hợp tác quốc tế;
g) Các chế độ ưu đãi khác.
2. Người làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử hưởng lương từ nguồn ngân sách nhà nước được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp với mức tối đa là 70% mức lương theo ngạch, bậc.
3. Sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đạt loại giỏi trở lên được ưu tiên tuyển dụng làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng năng lượng nguyên tử của Nhà nước. Bộ Nội vụ quy định cụ thể việc thực hiện nội dung này.
4. Người học các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử bậc đại học và sau đại học được Nhà nước trả chi phí đào tạo và được cấp học bổng nếu học ở trong nước và hỗ trợ chi phí đào tạo nếu học ở nước ngoài. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ quy định cụ thể việc thực hiện nội dung này.
5. Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng các biện pháp đặc thù thu hút nguồn nhân lực quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Điều 3. Đo lường bức xạ, kiểm định và hiệu chuẩn thiết bị ghi đo bức xạ, thiết bị bức xạ, thiết bị hạt nhân.
1. Tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị thuộc danh mục thiết bị ghi đo bức xạ, thiết bị bức xạ, thiết bị hạt nhân phải kiểm định, hiệu chuẩn phải thực hiện việc kiểm định, hiệu chuẩn trong các trường hợp sau:
a) Trước khi đưa thiết bị vào sử dụng;
b) Theo định kỳ;
c) Sau khi lắp đặt lại thiết bị hoặc sửa chữa có ảnh hưởng đến tính năng an toàn và độ chính xác của thiết bị.
2. Bộ Khoa học và Công nghệ thiết lập, duy trì chuẩn đo lường bức xạ quốc gia; ban hành quy định cụ thể việc kiểm định, hiệu chuẩn và danh mục thiết bị ghi đo bức xạ, thiết bị bức xạ, thiết bị hạt nhân phải kiểm định, hiệu chuẩn.
Điều 4. Quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường.
1. Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia là mạng lưới quan trắc phóng xạ chuyên ngành thuộc hệ thống quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia.
2. Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia phối hợp với hệ thống quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia phục vụ đánh giá hiện trạng phóng xạ môi trường, liều chiếu xạ đối với cộng đồng dân cư; thiết lập hệ cơ sở dữ liệu phóng xạ môi trường và theo dõi, cảnh báo mọi diễn biến bức xạ bất thường trên lãnh thổ Việt Nam.
3. Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp của mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia trong hệ thống quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia; chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng, quản lý mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Điều 5. Bảo đảm điều kiện làm việc an toàn cho nhân viên bức xạ
Người đứng đầu tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ có trách nhiệm bảo đảm điều kiện làm việc an toàn cho nhân viên bức xạ như sau:
1. Trang bị phương tiện bảo vệ, thiết bị ghi đo bức xạ, liều kế cá nhân cần thiết cho nhân viên bức xạ khi tiến hành công việc bức xạ.
2. Tổ chức đào tạo cho nhân viên bức xạ mới tuyển dụng và hằng năm huấn luyện, bổ sung kiến thức mới về an toàn bức xạ và chuyên môn.
3. Tổ chức khám sức khỏe cho nhân viên bức xạ khi mới tuyển dụng; tổ chức khám sức khỏe định kỳ hằng năm cho nhân viên bức xạ theo quy định của Bộ Y tế.
4. Tổ chức đánh giá liều chiếu xạ cá nhân cho nhân viên bức xạ ít nhất một lần trong 3 tháng.
5. Khi nhân viên bức xạ bị chiếu xạ quá liều giới hạn thì tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ phải thực hiện ngay các công việc sau đây:
a) Chuyển nhân viên bị chiếu xạ quá liều giới hạn tới cơ sở y tế chuyên khoa kiểm tra, theo dõi sức khỏe;
b) Tìm nguyên nhân bị chiếu xạ quá liều và đề ra biện pháp khắc phục;
c) Bố trí công việc thích hợp cho nhân viên bị chiếu xạ quá liều giới hạn.
6. Tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động.
Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết các nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.
Điều 6. Phát hiện nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân bị thất lạc, bị chiếm đoạt, bị bỏ rơi, bị chuyển giao bất hợp pháp, chưa được khai báo.
1. Tổ chức, cá nhân khi phát hiện hoặc có thông tin về nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân bị thất lạc, bị chiếm đoạt, bị bỏ rơi, bị chuyển giao bất hợp pháp, chưa được khai báo (sau đây gọi chung là nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân nằm ngoài sự kiểm soát) có trách nhiệm thông báo ngay việc phát hiện cho Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Sở Khoa học và Công nghệ.
2. Cơ quan hải quan tại cửa khẩu phải trang bị phương tiện kỹ thuật, thực hiện các biện pháp cần thiết để phát hiện nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân tại cửa khẩu.
3. Các cơ sở sử dụng sắt, thép phế liệu để luyện thép phải có biện pháp hoặc thiết bị để phát hiện nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân.
4. Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành hướng dẫn và tổ chức thực hiện các biện pháp phát hiện nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân nằm ngoài sự kiểm soát.
Điều 7. Trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình phát hiện, xử lý nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân và thiết bị hạt nhân nằm ngoài sự kiểm soát.
1. Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan công an nhận được thông tin về nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân và thiết bị hạt nhân nằm ngoài sự kiểm soát có trách nhiệm thông báo kịp thời cho Sở Khoa học và Công nghệ sở tại.
2. Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm:
a) Khi nhận được thông tin về nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân và thiết bị hạt nhân nằm ngoài sự kiểm soát, phối hợp với công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan xác minh thông tin, tổ chức việc tìm kiếm;
b) Khi tìm thấy nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân và thiết bị hạt nhân nằm ngoài sự kiểm soát phải hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn và an ninh;
c) Thông báo cho Cục An toàn bức xạ và hạt nhân để phối hợp tìm kiếm, xử lý và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quá trình phát hiện và xử lý.
3. Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Sở Khoa học và Công nghệ và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xác minh thông tin, tham gia tìm kiếm và thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an ninh;
b) Phối hợp với Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Sở Khoa học và Công nghệ và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tiến hành điều tra xác định chủ sở hữu; tổ chức, cá nhân đã quản lý, sử dụng nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân và thiết bị hạt nhân để xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Cục An toàn bức xạ và hạt nhân có trách nhiệm:
a) Khi nhận được thông tin về nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân và thiết bị hạt nhân nằm ngoài sự kiểm soát có trách nhiệm hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ kỹ thuật cho công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Sở Khoa học và Công nghệ trong việc xác minh thông tin và tổ chức tìm kiếm;
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan áp dụng các biện pháp xử lý nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân và thiết bị hạt nhân nằm ngoài sự kiểm soát đã được tìm thấy;
c) Báo cáo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quá trình phát hiện và xử lý.
5. Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành hướng dẫn và tổ chức thực hiện các biện pháp tìm kiếm, xử lý nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân và thiết bị hạt nhân nằm ngoài sự kiểm soát;
b) Xây dựng và đưa vào vận hành kho lưu giữ nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân và thiết bị hạt nhân nằm ngoài sự kiểm soát;
c) Báo cáo Thủ tướng Chính phủ quá trình phát hiện và xử lý đối với các trường hợp nghiêm trọng.
Điều 8. Kinh phí bảo đảm việc phát hiện, tìm kiếm, xử lý và lưu giữ nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân và thiết bị hạt nhân nằm ngoài sự kiểm soát.
1. Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho hải quan cửa khẩu, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Sở Khoa học và Công nghệ, tổ chức của Nhà nước có chức năng hỗ trợ kỹ thuật thực hiện việc phát hiện, tìm kiếm, xử lý và lưu giữ nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân và thiết bị hạt nhân nằm ngoài sự kiểm soát bao gồm:
a) Kinh phí đầu tư trang thiết bị, xây dựng cơ sở lưu giữ nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân và thiết bị hạt nhân nằm ngoài sự kiểm soát;
b) Kinh phí phục vụ cho việc tìm kiếm, xử lý và lưu giữ nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân và thiết bị hạt nhân nằm ngoài sự kiểm soát.
Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn cụ thể về kinh phí quy định tại khoản này.
2. Trường hợp xác định được tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu, lưu giữ nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân và thiết bị hạt nhân bị chiếm đoạt, bị thất lạc, bị bỏ rơi hoặc chuyển giao bất hợp pháp, thì tổ chức, cá nhân đó phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho việc tìm kiếm, xử lý và lưu giữ nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân và thiết bị hạt nhân theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
Điều 9. Kiểm soát an toàn đối với vận chuyển quá cảnh vật liệu phóng xạ và hoạt động của tàu biển, phương tiện khác có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân.
1. Việc vận chuyển vật liệu phóng xạ quá cảnh lãnh thổ Việt Nam, hoạt động của tàu biển, phương tiện khác có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam phải được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy phép sau khi đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bằng văn bản.
Trường hợp không cấp giấy phép, Bộ Khoa học và Công nghệ phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép biết.
2. Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này phải nộp hồ sơ xin cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ.
3. Cục An toàn bức xạ và hạt nhân và các cơ quan có liên quan thực hiện việc giám sát vận chuyển vật liệu phóng xạ quá cảnh lãnh thổ Việt Nam, hoạt động của tàu biển, phương tiện khác có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam.
4. Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn chi tiết việc kiểm soát an toàn đối với việc vận chuyển vật liệu phóng xạ quá cảnh lãnh thổ Việt Nam, hoạt động của tàu biển, phương tiện khác có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều 10. Cơ chế phối hợp giữa cơ quan hải quan với các cơ quan liên quan trong việc kiểm soát nhập khẩu, xuất khẩu vật liệu phóng xạ và thiết bị hạt nhân tại cửa khẩu.
1. Cơ quan hải quan tại cửa khẩu có trách nhiệm:
a) Ưu tiên làm thủ tục thông quan đối với vật liệu phóng xạ và thiết bị hạt nhân đáp ứng đủ điều kiện về đóng gói, vận chuyển, giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu vật liệu phóng xạ và thiết bị hạt nhân và cập nhật thông tin cho cơ sở dữ liệu về vật liệu phóng xạ và thiết bị hạt nhân theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ;
b) Trong trường hợp vật liệu phóng xạ và thiết bị hạt nhân không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì phải lập biên bản; thu giữ; áp dụng các biện pháp an toàn, an ninh theo quy định đồng thời thông báo ngay cho Bộ Khoa học và Công nghệ qua Cục An toàn bức xạ và hạt nhân để phối hợp xử lý;
c) Trong trường hợp xảy ra sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân do vật liệu phóng xạ và thiết bị hạt nhân tại cửa khẩu, phải thực hiện các biện pháp ứng phó đã được lập kế hoạch theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ đồng thời thông báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sở tại và Cục An toàn bức xạ và hạt nhân để phối hợp xử lý;
d) Định kỳ hằng năm gửi báo cáo về tình hình nhập khẩu, xuất khẩu vật liệu phóng xạ và thiết bị hạt nhân tới Bộ Khoa học và Công nghệ để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Cục An toàn bức xạ và hạt nhân có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn nghiệp vụ và hỗ trợ kỹ thuật cho cơ quan hải quan tại các cửa khẩu trong việc kiểm soát nhập khẩu, xuất khẩu vật liệu phóng xạ và thiết bị hạt nhân;
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan có biện pháp kịp thời để xử lý theo quy định khi nhận được thông báo theo các điểm b và c khoản 1 Điều này.
3. Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
a) Phối hợp với cơ quan hải quan tại cửa khẩu kiểm tra, xử lý bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân trong trường hợp vật liệu phóng xạ và thiết bị hạt nhân không đáp ứng điều kiện thông quan quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
b) Phối hợp với Cục An toàn bức xạ và hạt nhân trong việc xử lý sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân do vật liệu phóng xạ và thiết bị hạt nhân tại cửa khẩu.
4. Các cơ quan khác tại cửa khẩu, tùy theo chức năng và nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm hỗ trợ, phối hợp với cơ quan hải quan cửa khẩu trong trường hợp quy định tại các điểm b và c khoản 1 Điều này.
Điều 11. Xác định mức sự cố và việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng
1. Mức sự cố để thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng khi xảy ra sự cố được xác định như sau:
a) Sự cố mức 1 là sự kiện nội quy làm việc bị vi phạm, thiết bị trục trặc có thể gây mất an toàn đối với hệ thống bảo vệ, nhưng nguyên tắc bảo vệ nhiều lớp vẫn được bảo đảm;
b) Sự cố mức 2 là sự kiện các quy định về an toàn bị vi phạm, thiết bị bảo vệ bị hư hỏng nhưng hệ thống bảo vệ vẫn được bảo đảm; nhân viên bức xạ bị chiếu xạ vượt quá liều giới hạn nghề nghiệp nhưng không quá mười lần; suất liều chiếu xạ tại khu vực làm việc lớn hơn 50 milisivơ trên giờ (mSv/h) hoặc có nhiễm bẩn phóng xạ đến mức cần phải có hành động khắc phục ở những khu vực mà theo thiết kế không có khả năng bị nhiễm bẩn trong điều kiện bình thường;
c) Sự cố mức 3 là sự cố hệ thống bảo vệ bị hư hỏng dẫn đến rò rỉ chất phóng xạ gây nhiễm bẩn ở những khu vực mà theo thiết kế không có khả năng bị nhiễm bẩn trong điều kiện bình thường, gây ra chiếu xạ đối với người dân nhưng chưa vượt quá liều giới hạn công chúng; có nhân viên bức xạ bị chiếu xạ vượt quá mười lần liều giới hạn nghề nghiệp hoặc suất liều chiếu xạ tại khu vực làm việc vượt quá 1 sivơ trên giờ (Sv/h);
d) Sự cố mức 4 là tai nạn khi thanh nhiên liệu lò phản ứng hạt nhân bị nóng chảy, bị hư hỏng làm thoát ra trên 0,1% tổng lượng chất phóng xạ của vùng hoạt; đối với các cơ sở hạt nhân khác là tai nạn làm một lượng lớn chất phóng xạ thoát ra khỏi cơ sở, nhân viên bức xạ bị nhiễm xạ có nguy cơ tử vong; gây chiếu xạ đối với người dân nhưng chưa vượt quá liều giới hạn công chúng;
đ) Sự cố mức 5 là tai nạn do vùng hoạt của lò phản ứng hạt nhân có hư hỏng; đối với các cơ sở hạt nhân khác là tai nạn làm một lượng lớn chất phóng xạ thoát ra khỏi cơ sở, có nhân viên bức xạ bị nhiễm xạ tử vong; gây tác hại đối với sức khỏe con người và môi trường ở ngoài cơ sở, cần áp dụng một số biện pháp ứng phó sự cố ở phạm vi ngoài cơ sở;
e) Sự cố mức 6 là tai nạn nghiêm trọng đối với lò phản ứng hạt nhân, làm một lượng chất phóng xạ tương đương hàng nghìn đến hàng chục nghìn têra becơren (TBq) I-131 thoát ra môi trường; đối với các cơ sở hạt nhân khác là tai nạn nghiêm trọng làm thoát một lượng lớn chất phóng xạ ra môi trường làm nhiều người tử vong, phải áp dụng mọi biện pháp ứng phó trong kế hoạch ứng phó sự cố cấp tỉnh;
g) Sự cố mức 7 là thảm họa hạt nhân do nổ lò phản ứng hạt nhân và làm thoát một lượng rất lớn chất phóng xạ ra môi trường trên diện rộng, phải áp dụng kế hoạch ứng phó sự cố cấp quốc gia.
2. Khi xảy ra sự cố, Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan xác định mức sự cố và thông báo về sự cố trên các phương tiện thông tin đại chúng về:
a) Tình hình phóng xạ tại nơi xảy ra sự cố, dự đoán diễn biến sự cố và các ảnh hưởng của nó đến cộng đồng và môi trường;
b) Các hành động và biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Điều 12. Phí và lệ phí
1. Các loại phí trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử bao gồm:
a) Phí thẩm định an toàn, an ninh để cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ;
b) Phí thẩm định điều kiện để cấp giấy đăng ký dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử;
c) Phí thẩm định điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử;
d) Phí sử dụng dịch vụ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
2. Các loại lệ phí trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử bao gồm:
a) Lệ phí cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ;
b) Lệ phí cấp giấy đăng ký hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử;
c) Lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử;
d) Lệ phí cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ.
3. Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ quy định cụ thể về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng các loại phí và lệ phí quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
Điều 13. Bảo hiểm nghề nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm dân sự và bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường.
1. Bảo hiểm nghề nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm dân sự và bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường quy định tại các khoản 1 Điều 90 Luật Năng lượng nguyên tử là bảo hiểm bắt buộc.
2. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiến hành những công việc bức xạ sau đây phải có trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường:
a) Vận hành lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu và nhà máy điện hạt nhân;
b) Sản xuất, chế biến chất phóng xạ;
c) Khai thác, chế biến quặng phóng xạ;
d) Xử lý chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.
3. Doanh nghiệp bảo hiểm được kinh doanh bảo hiểm bắt buộc không được từ chối bán các loại bảo hiểm quy định tại khoản 1 và 2 Điều này.
4. Bộ Tài chính ban hành quy tắc, điều khoản bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với từng loại bảo hiểm quy định tại khoản 1 và 2 Điều này. Mức phí bảo hiểm được quy định căn cứ vào khả năng gây thiệt hại của công việc bức xạ.
Điều 14. Điều khoản chuyển tiếp
1. Các loại giấy phép đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp cho cơ sở bức xạ, nhân viên bức xạ trước khi Nghị định này có hiệu lực thì vẫn tiếp tục có giá trị đến thời hạn hiệu lực của giấy phép.
2. Hồ sơ xin cấp giấy phép của cơ sở bức xạ và nhân viên bức xạ đã nộp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà chưa được giải quyết trước khi Nghị định này có hiệu lực thì phải được cập nhật và bổ sung theo quy định của Luật Năng lượng nguyên tử.
Điều 15. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2010.
Điều 16. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ Nguyễn Tấn Dũng |