Nghị định số 04/2006/NĐ-CP ngày 09/01/2006

NGHỊ ĐỊNH

CHÍNH PHỦ SỐ 04/2006/NĐ-CP NGÀY 09 THÁNG 01 NĂM 2006

VỀ VIỆC THÀNH LẬP VÀ QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ,QUYỀN HẠN, CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA HỘI ĐỒNG XỬ LÝ VỤ VIỆC CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ, CHỐNG TRỢ CẤP VÀ TỰ VỆ

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam ngày 25 tháng 5 năm 2002;

Căn cứ Pháp lệnh về chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam ngày 29 tháng 4 năm 2004;

Căn cứ Pháp lệnh về chống trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam ngày 20 tháng 8 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 29/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thương mại;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương mại,

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1. Thành lập Hội đồng xử lý vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ

Thành lập Hội đồng xử lý vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ (sau đây gọi tắt là Hội đồng xử lý).

Điều 2. Vị trí và chức năng

Hội đồng xử lý là tổ chức trực thuộc Bộ Thương mại có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Thương mại xem xét việc áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và áp dụng các biện pháp tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam trên cơ sở các kết luận và kết quả điều tra vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp và áp dụng các biện pháp tự vệ của Cục Quản lý cạnh tranh.

Kinh phí hoạt động của Hội đồng xử l‎ý do ngân sách nhà nước đảm bảo và được bố trí theo dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Thương mại.

Điều 3. Nhiệm vụ và quyền hạn

Hội đồng xử lý vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ có các nhiệm vụ và quyền hạn chủ yếu sau đây:

1. Nghiên cứu, xem xét hồ sơ, các kết luận của Cục Quản lý cạnh tranh về các vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp và áp dụng các biện pháp tự vệ.

2. Thảo luận và quyết định theo đa số về việc không có hoặc có bán phá giá hàng hóa vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.

3. Thảo luận và quyết định theo đa số về việc không có hoặc có trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.

4. Thảo luận và quyết định theo đa số về việc không có hoặc có việc gia tăng khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa nhập khẩu gây ra hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp trong nước.

5. Kiến nghị Bộ trưởng Bộ Thương mại ra quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và quyết định áp dụng biện pháp tự vệ.

Điều 4. Cơ cấu tổ chức

1. Hội đồng xử lý gồm một số thành viên thường trực và một số thành viên khác làm việc theo từng vụ việc.

Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng xử l‎ý do Bộ trưởng Bộ Thương mại bổ nhiệm, miễn nhiệm trên cơ sở danh sách được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Giúp việc cho Hội đồng xử lý có Ban Thư ký Hội đồng xử lý. Chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ban Thư ký Hội đồng xử lý do Bộ trưởng Bộ Thương mại quy định.

3. Hội đồng xử lý chịu trách nhiệm xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng trình Bộ trưởng Bộ Thương mại phê duyệt.

Điều 5. Lãnh đạo Hội đồng xử lý

Hội đồng xử lý có Chủ tịch Hội đồng và một số Phó Chủ tịch.

Chủ tịch Hội đồng xử lý chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Thương mại về toàn bộ hoạt động của Hội đồng xử lý. Các Phó Chủ tịch Hội đồng xử lý chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng xử lý về nhiệm vụ được phân công.

Điều 6. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 7. Trách nhiệm thi hành

Bộ trưởng Bộ Thương mại, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chủ tịch Hội đồng xử lý chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

Phan Văn Khải

Tags: , , , , ,

Comments are closed.