Nghị định của Chính phủ số 50/2001/NĐ-CP

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 50/2001/NĐ-CP NGÀY 16 THÁNG 8 NĂM 2001
QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA
LUẬT MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 12 tháng 6 năm 1999;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, sau khi thống nhất ý kiến với Ban Thường trực Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,

NGHỊ ĐỊNH:

 

CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Nghị định

Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tch nhiệm của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp (sau đây gọi chung là cơ quan Nhà nước) trong việc phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện quyền và trách nhiệm của Mặt trận, phát huy vai trò là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; quy định điều kiện bảo đảm hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 

Điều 2. Quan hệ giữa cơ quan Nhà nước với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

1. Quan hệ giữa các cơ quan Nhà nước với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp là quan hệ phối hợp, tạo điều kiện để mỗi bên thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan Nhà nước phối hợp chặt chẽ và dựa vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Khi được Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị, cơ quan Nhà nước có trách nhiệm tham gia các hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 

Điều 3. Quy chế phối hợp công tác

1. Chính phủ phối hợp với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành quy chế phối hợp công tác.

2. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp với Ban Thường trực Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Quy chế phối hợp công tác.

3. Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ở mỗi cấp phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp ban hành Quy chế phối hợp công tác.

 

Điều 4. Trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc bảo đảm hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Cơ quan Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất và những điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

 

CHƯƠNG II
PHỐI HỢP GIỮA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC VỚI MẶT TRẬN
TỔ QUỐC VIỆT NAM TRONG VIỆC THỰC HIỆN QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

 

Điều 5. Về việc tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân

1. Cơ quan Nhà nước căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tham gia với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển đa dạng các hình thức tập hợp các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào yêu nước, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài nhằm động viên mọi nguồn lực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

2. Cơ quan Nhà nước kiến nghị, có kế hoạch tham gia với Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập hợp, phát huy vai trò của các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo trong việc vận động nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại của Nhà nước.

3. Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Văn hoá – Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, ngành có liên quan, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp phối hợp, tạo điều kiện để Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp tham gia tuyên truyền, vận động người Việt Nam ở nước ngoài bằng các biện pháp, hình thức thích hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, giữ gìn bản sắc văn hoá, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tôn trọng luật pháp nước sở tại, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

 

Điều 6. Về hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân

1. Cơ quan Nhà nước trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp xây dựng chương trình tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tổ chức các cuộc vận động, các phong trào yêu nước, vận động nhân dân đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, xây dựng đời sống văn hoá, giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

2. Cơ quan Nhà nước tham gia ý kiến với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp về mục tiêu, nội dung các cuộc vận động và tạo điều kiện để Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp tổ chức triển khai các cuộc vận động nhân dân.

Trong trường hợp cơ quan Nhà nước tổ chức, chỉ đạo các phong trào nhân dân thì đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp có liên quan cử đại diện tham gia Ban Chỉ đạo.

3. Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp xã phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp chỉ đạo sự phối hợp hoạt động giữa Trưởng thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố, cộng đồng dân cư khác ở cơ sở với Trưởng ban công tác mặt trận tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và các cuộc vận động khác trên địa bàn dân cư.

Uỷ ban nhân dân cấp xã phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của các tổ chức tự quản được thành lập theo quy định của pháp luật trong cộng đồng dân cư trên địa bàn.

 

Điều 7. Về công tác bầu cử

Căn cứ Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến công tác bầu cử, cơ quan Nhà nước bảo đảm các điều kiện cần thiết để Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác bầu cử:

1. Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ phối hợp với Văn phòng Quốc hội và Ban Thường trực Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn cơ cấu, thành phần của các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia tổ chức phụ trách bầu cử; tổ chức hội nghị triển khai và tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác bầu cử; tổ chức hội nghị giao ban theo vùng, miền; chỉ đạo, kiểm tra công tác bầu cử; tổng kết công tác bầu cử;

2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ, Văn phòng Quốc hội và Ban Thường trực Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn việc sử dụng kinh phí bầu cử.

 

Điều 8. Tổ chức tiếp xúc giữa cử tri với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp

Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã chủ trì, phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp xây dựng kế hoạch tổ chức Hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, bảo đảm cơ sở vật chất và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri tại Hội nghị.

Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp chủ trì Hội nghị theo quy định của pháp luật.

 

Điều 9. Về việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

1. Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp có trách nhiệm tập hợp những kiến nghị của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, chương trình xây dựng nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đề trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

2. Chính phủ tham gia ý kiến bằng văn bản đối với các dự án luật, pháp lệnh do Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình.

3. Khi xây dựng dự án luật, pháp lệnh có liên quan đến quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, tổ chức bộ máy nhà nước thì cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm gửi dự án để Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có liên quan tham gia ý kiến.

Đối với dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, quyết định, chỉ thị, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan đến quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chế độ, chính sách của cán bộ Mặt trận, cơ quan chủ trì soạn thảo gửi dự thảo để Ban Thường trực Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức thành viên của Mặt trận có liên quan tham gia ý kiến.

 

Điều 10. Về việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân

1. Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, cơ quan tư pháp của Uỷ ban nhân dân cùng cấp có trách nhiệm tập hợp những ý kiến của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận cùng cấp về dự kiến chương trình xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân trình cơ quan có thẩm quyền.

2. Đối với dự thảo nghị quyết, quyết định, chỉ thị có liên quan đến quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chế độ, chính sách của cán bộ Mặt trận, quyền, lợi ích của người dân ở địa phương thì cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm gửi dự thảo để Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp có liên quan tham gia ý kiến.

 

Điều 11. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên tịch giữa cơ quan Nhà nước với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội là thành viên của Mặt trận.

Chính phủ phối hợp với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành nghị quyết liên tịch hướng dẫn thi hành những vấn đề mà pháp luật quy định trách nhiệm tham gia quản lý Nhà nước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp với Ban Thường trực Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị – xã hội là thành viên của Mặt trận ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành những vấn dề mà pháp luật quy định trách nhiệm tham gia quản lý Nhà nước của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội là thành viên của Mặt trận ở địa phương.

 

Điều 12. Về việc tuyển chọn thẩm phán, giới thiệu hội thẩm Tòa án nhân dân

1. Trong trường hợp có thay đổi thành viên của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc của Hội Luật gia Việt Nam tham gia Hội đồng tuyển chọn thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Toà án quân sự khu vực, thì trên cơ sở đề nghị của Ban Thường trực Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Bộ Tư pháp trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định về việc thay đổi thành viên đó.

2. Trong trường hợp có thay đổi thành viên của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc của Hội luật gia Việt Nam tham gia Hội đồng tuyển chọn thẩm phán Toà án nhân dân cấp huyện, thì trên cơ sở đề nghị của Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh hoặc của Hội Luật gia cấp tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định về việc thay đổi thành viên đó.

3. Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh gửi hồ sơ và danh sách dự kiến tuyển chọn thẩm phán của Toà án nhân dân cấp tỉnh chậm nhất là ba mươi ngày trước ngày họp Hội đồng tuyển chọn thẩm phán để Ban Thường trực Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức lấy ý kiến nhân dân ở địa phương nơi cư trú đối với người dự kiến được tuyển chọn làm thẩm phán.

Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn thẩm phán Toà án nhân dân cấp huyện gửi hồ sơ và danh sách dự kiến tuyển chọn thẩm phán của Toà án nhân dân cấp huyện chậm nhất là ba mươi ngày trước ngày họp Hội đồng tuyển chọn thẩm phán để Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh tổ chức lấy ý kiến nhân dân ở địa phương nơi cư trú đối với người dự kiến được tuyển chọn làm thẩm phán.

4. Chậm nhất là ba mươi ngày trước ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, Thường trực Hội đồng nhân dân thông báo để Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu Hội thẩm Toà án nhân dân địa phương theo hướng dẫn của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 

Điều 13. Về hoạt động giám sát

1. Cơ quan Nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, thanh tra ở địa phương có trách nhiệm nghiên cứu, xem xét, tiếp thu kiến nghị của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, Ban Thanh tra nhân dân và ý kiến của các tầng lớp nhân dân phản ánh thông qua Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

2. Khi cần thiết, cơ quan Nhà nước có trách nhiệm mời đại diện Ban Thanh tra nhân dân tham gia giám sát, thanh tra, kiểm tra, ở xã, phường, thị trấn. Ban Thanh tra nhân dân có trách nhiệm cung cấp thông tin, cử người tham gia khi được yêu cầu tham gia giám sát, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan Nhà nước.

Khi Ban Thanh tra nhân dân thực hiện quyền giám sát, kiểm tra theo quy định của pháp luật thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi được giám sát, kiểm tra có trách nhiệm cung cấp thông tin, trả lời kiến nghị theo quy định tại Điều 15 của Nghị định này.

Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tạo điều kiện để Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã chỉ đạo tổ chức, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân.

Cơ quan Nhà nước có trách nhiệm phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp hướng dẫn, giúp đỡ, động viên và bảo vệ công dân khi họ thực hiện quyền giám sát của mình.

3. Hội đồng nhân dân các cấp khi thực hiện nhiệm vụ giám sát có trách nhiệm:

a. Mời đại diện Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tham gia xây dựng kế hoạch giám sát của Hội đồng nhân dân.

b. Mời đại diện Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tham gia hoạt động giám sát.

c. Cung cấp thông tin có liên quan đến công tác giám sát của Hội đồng nhân dân cho Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp;

d. Tạo điều kiện để đại diện Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đưa kiến nghị liên quan đến nội dung giám sát.

đ. Tiếp nhận những thông tin có liên quan đến hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân do Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp cung cấp.

4. Người đứng đầu cơ quan Nhà nước có trách nhiệm:

a. Tiếp, cung cấp thông tin và giải trình những vấn đề liên quan theo yêu cầu của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi tiến hành hoạt động giám sát;

b. Cử đại diện tham gia hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị;

c. Xem xét, giải quyết kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc biểu dương, khen thưởng người tốt, việc tốt; xem xét, giải quyết, xử lý kịp thời những trường hợp vi pháp pháp luật và thông báo kết quả xử lý cho Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có kiến nghị theo quy định tại khoản 2 Điều 15 của Nghị định này.

 

Điều 14. Về hoạt động đối ngoại nhân dân

1. Cơ quan Nhà nước trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tham gia xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động đối ngoại nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tạo điều kiện để Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triển khai có hiệu quả.

2. Cơ quan Nhà nước có trách nhiệm hối hợp khi được Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận đề nghị tham gia triển khai, thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động đối ngoại nhân dân.

3. Khi cơ quan Nhà nước tiến hành hoạt động đối ngoại liên quan đến hoạt động đối ngoại nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì mời đại diện của Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia.

Cơ quan Nhà nước và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp có trách nhiệm phối hợp hoạt động đối ngoại nhân dân và đối ngoại nhà nước nhằm thực hiện và mở rộng hoạt động đối ngoại trong khu vực và trên thế giới theo đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

 

Điều 15. Trả lời kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

1. Tại các kỳ họp, phiên họp của Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân có đại diện của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội là thành viên của Mặt trận tham dự và trực tiếp nêu kiến nghị thì Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân có trách nhiệm trả lời ngay tại kỳ họp, phiên họp; trong trường hợp cần nghiên cứu thêm thì trả lời bằng văn bản trong thời hạn chậm nhất không quá ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị hoặc trả lời tại kỳ họp, phiên họp tiếp theo.

2. Trong trường hợp cơ quan nhà nước nhận được kiến nghị của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì cơ quan đó có trách nhiệm trả lời trong thời hạn chậm nhất không quá ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị. Trong trường hợp Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận chưa tán thành với việc trả lời, thì các bên phối hợp thảo luận để thống nhất phương án giải quyết. Nếu không thống nhất được thì báo cáo lên cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp trên. Cơ quan Nhà nước cấp trên xem xét, giải quyết trong thời hạn chậm nhất không quá bốn mươi lăm ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo.

3. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm nghiên cứu, xem xét những kiến nghị của tổ chức và cá nhân về việc đình chỉ hoặc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật được phản ánh thông qua Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

 

Điều 16. Làm việc liên tịch giữa cơ quan Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Cơ quan Nhà nước và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức làm việc liên tịch định kỳ sáu tháng hoặc khi cần thiết theo yêu cầu của một bên để trao đổi về những vấn đề liên quan cần giải quyết. Nội dung, chương trình, thời gian do hai bên thoả thuận và thực hiện theo Quy chế phối hợp công tác.

 

Điều 17. Về việc tham dự kỳ họp của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp cử đại diện tham dự các cuộc họp của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp khi được Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mời tham dự. Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân dự kỳ họp của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp để thông báo tình hình kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, những vấn đề khác có liên quan ở địa phương và tiếp thu ý kiến, kiến nghị của Mặt trận để xem xét, giải quyết.

 

CHƯƠNG III
ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG CỦA
MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

 

Điều 18. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ mặt trận

1. Cán bộ mặt trận được đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, nghiệp vụ công tác, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ mặt trận hàng năm được sử dụng trong nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành.

2. Cơ quan Nhà nước có liên quan ở Trung ương phối hợp giúp đỡ, tạo điều kiện để Ban Thường trực Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện kế hoạch, chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ mặt trận của Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ mặt trận ở Trung ương.

3. Hàng năm, Trường Chính trị tỉnh và Trung tâm Chính trị huyện phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện thống nhất kế hoạch, chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ mặt trận tại địa phương.

 

Điều 19. Về việc điều động, biệt phái cán bộ, công chức sang công tác tại cơ quan Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp

Cơ quan Nhà nước có trách nhiệm xem xét, đáp ứng yêu cầu của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc điều động hoặc biệt phái cán bộ, công chức sang công tác tại cơ quan Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

 

Điều 20. Chế độ, chính sách đối với cán bộ mặt trận và cán bộ, công chức làm công tác mặt trận

1. Tiền lương, phụ cấp và các chế độ khác của cán bộ mặt trận các cấp được thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Cán bộ, công chức khi được cơ quan quản lý, sử dụng cử tham gia hoạt động của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thì được cơ quan đó bảo đảm các chế độ theo quy định của pháp luật.

3. Cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước là Uỷ viên Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp hoặc được cử phối hợp công tác với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì được cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó tạo điều kiện thực hiện nhiệm vụ được giao; tiền lương, phụ cấp và các chế độ khác trong thời gian tham gia công tác mặt trận do cơ quan đơn vị quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó chi trả.

 

Điều 21. Kinh phí hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

1. Ngân sách Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành.

Hàng năm, căn cứ hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và yêu cầu nhiệm vụ được giao, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp lập dự toán ngân sách gửi cơ quan tài chính cùng cấp xem xét, tổng hợp trong dự toán chung để trình cơ quan có thẩm quyền quyết định;

2. Trường hợp có hoạt động đột xuất, hoạt động phát sinh mới chưa được bố trí kinh phí bảo đảm, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp lập dự toán kinh phí bổ sung đề nghị Chính phủ, Uỷ ban nhân dân và cơ quan tài chính cùng cấp xem xét và bổ sung kinh phí thực hiện;

3. Đối với những công việc do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với cơ quan Nhà nước tiến hành thì căn cứ nguồn kinh phí được cấp cho công việc này (nếu có), cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện phân bổ kinh phí cho Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp theo nhiệm vụ cụ thể được phân công;

4. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp lập dự toán, thực hiện dự toán và quyết toán theo chế độ quản lý ngân sách Nhà nước hiện hành.

 

Điều 22. Bảo đảm điều kiện hoạt động của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong trường hợp thay đổi cấp hoặc địa giới hành chính của các đơn vị hành chính và trong trường hợp đặc biệt

Khi có quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc thay đổi cấp hoặc địa giới hành chính của các đơn vị hành chính và trong trường hợp đặc biệt thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo đảm cơ sở vật chất và tạo điều kiện để Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp ổn định tổ chức, điều kiện làm việc.

 

CHƯƠNG IV
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

 

Điều 23. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Tổ chức, cá nhân có thành tích khi tham gia phối hợp công tác với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì được Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khen thưởng theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Cá nhân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố tình cản trở hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

 

CHƯƠNG V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 24. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

 

Điều 25. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội động nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

Tags: , , , , , , , ,

Comments are closed.