Nghị định 13/2009/NĐ-CP ngày 13/02/2009

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Quản lý thuế ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

 

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm pháp luật về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế như sau:

1. Sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 6 như sau:

“b) Phạt tiền:

Hình thức phạt tiền được quy định cụ thể đối với từng hành vi vi phạm pháp luật về thuế như sau:

– Phạt tiền tối đa không quá 100 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm thủ tục thuế. Khi phạt tiền, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm về thủ tục thuế là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống, nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt, nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt;

– Phạt 0,05% mỗi ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với hành vi chậm nộp tiền thuế, tiền phạt;

– Phạt 10% số tiền thuế thiếu đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn;

– Phạt tiền tương ứng với số tiền không trích vào tài khoản của ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 114 của Luật Quản lý thuế;

–  Phạt từ 1 đến 3 lần số tiền thuế trốn đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế.

Khi xác định mức phạt tiền đối với người nộp thuế vi phạm vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ thì xem xét giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc nếu có một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng. Sau khi giảm trừ theo nguyên tắc trên, nếu còn một tình tiết tăng nặng hoặc một tình tiết giảm nhẹ thì tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và thái độ khắc phục hậu quả của đối tượng vi phạm, người có thẩm quyền xử lý xem xét áp dụng mức phạt tiền đối với trường hợp có một tình tiết tăng nặng hoặc trường hợp không có tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ. Đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế thì mỗi tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ được tính tăng hoặc giảm 20% mức phạt trung bình của khung tiền phạt.”

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 9 như sau:

“5. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với các hành vi:

a) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định từ trên 40 đến 90 ngày;

b) Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn quy định trên 90 ngày nhưng không phát sinh số thuế phải nộp.”

3. Bổ sung thêm điểm o vào khoản 1 Điều 14 như sau:

“o) Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán đang trong thời gian xin tạm ngừng kinh doanh nhưng thực tế vẫn kinh doanh.”

4. Sửa đổi Điều 18 như sau:

“Điều 18. Thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về thuế của cơ quan thu thuế

1. Nhân viên Thuế đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 200.000 đồng đối với các hành vi vi phạm về thủ tục thuế quy định tại Nghị định này.

2. Đội trưởng Đội Thuế trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm về thủ tục thuế quy định tại Nghị định này.

3. Chi cục trưởng Chi cục Thuế, trong phạm vi địa bàn quản lý của mình, có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại các Điều 7, 8, 9, 10 và Điều 11 Nghị định này;

c) Phạt tiền đối với hành vi phạm quy định tại các Điều 12, 13, 14, 16 và Điều 17 Nghị định này;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về thuế;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định này.

4. Cục trưởng Cục Thuế, trong phạm vi địa bàn quản lý của mình, có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm các thủ tục thuế quy định tại các Điều 7, 8, 9, 10 và Điều 11 Nghị định này;

c) Phạt tiền đối với hành vi phạm quy định tại các Điều 12, 13, 14, 16 và Điều 17 Nghị định này;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về thuế;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định này.”

5. Sửa đổi Điều 22 như sau:

“Điều 22. Lập biên bản vi phạm pháp luật về thuế

Việc lập biên bản vi phạm pháp luật về thuế được quy định như sau:

1. Người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thuế có trách nhiệm lập biên bản theo đúng mẫu quy định và chuyển kịp thời tới người có thẩm quyền xử phạt. Biên bản phải có đầy đủ chữ ký theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; trường hợp người vi phạm không ký vào biên bản vi phạm thì người lập biên bản phải ghi rõ lý do vào biên bản và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung đã ghi trong biên bản.

2. Trường hợp không phải lập biên bản khi ban hành quyết định xử phạt:

a) Người nộp thuế có hành vi phạm pháp luật về thuế đã được cơ quan thuế kiểm tra, thanh tra phát hiện, ghi nhận vào biên bản kiểm tra, kết luận thanh tra;

b) Người nộp thuế chậm nộp tiền thuế đã được ghi trên thông báo nộp tiền thuế, tiền phạt chậm nộp của cơ quan thuế.”

6. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 39 như sau:

“1. Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế có hiệu lực thi hành trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày ban hành quyết định. Riêng đối với quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế có hiệu lực thi hành trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định.”

Điều 2. Điều khoản thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 4 năm 2009.

2. Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định này.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

Nơi nhận:

– Ban Bí thư Trung ương Đảng;

– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;

– VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;

– HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;

– Văn phòng TW và các Ban của Đảng;

– Văn phòng Chủ tịch nước;

– Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;

– Văn phòng Quốc hội;

– Tòa án nhân dân tối cao;

– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

– Kiểm toán Nhà nước;

– Ủy ban Giám sát tài chính QG;

– Ngân hàng Chính sách Xã hội;

– Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

– Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;

– VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT,

  các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;

– Lưu: Văn thư, KTTH (5b). Trang

TM. CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG

  

(Đã ký)

Tags: 

Comments are closed.