CHÍNH PHỦ Số: 03/2011/NĐ-CP |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 07 tháng 01 năm 2011 |
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH LUẬT HOẠT ĐỘNG CHỮ THẬP ĐỎ
———————-
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Hoạt động chữ thập đỏ ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,
NGHỊ ĐỊNH:
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Nghị định này quy định chi tiết khoản 2 Điều 17 về việc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho hoạt động chữ thập đỏ; khoản 1 Điều 18 về tạo điều kiện thuận lợi, thực hiện nhanh chóng thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, hải quan đối với người, tiền và hiện vật phục vụ hoạt động chữ thập đỏ trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm; khoản 4 Điều 22 về việc thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý Quỹ hoạt động chữ thập đỏ và biện pháp thi hành Luật Hoạt động chữ thập đỏ.
2. Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế tham gia hoạt động chữ thập đỏ tại Việt Nam.
Điều 2. Tham gia hoạt động chữ thập đỏ của tổ chức, cá nhân
1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế khi tham gia hoạt động chữ thập đỏ ở một địa phương phải liên hệ với Hội Chữ thập đỏ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để được hướng dẫn, thông tin về đối tượng, địa bàn nhu cầu và cách thức tổ chức hoạt động chữ thập đỏ; khi tham gia hoạt động chữ thập đỏ ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì phải liên hệ với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam để được hướng dẫn, thông tin về đối tượng, địa bàn, nhu cầu và phối hợp thực hiện.
2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế ở nước ngoài khi tham gia hoạt động chữ thập đỏ tại Việt Nam phải liên hệ với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam để được hướng dẫn thủ tục, thông tin về đối tượng, địa bàn, nhu cầu và phối hợp thực hiện.
3. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là đầu mối tiếp nhận và phối hợp với tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế thực hiện các dự án quốc tế, tài trợ quốc tế và các hoạt động quốc tế khác liên quan đến hoạt động chữ thập đỏ trong trường hợp hoạt động chữ thập đỏ được thực hiện từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên. Hội Chữ thập đỏ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là đầu mối tiếp nhận và phối hợp thực hiện hoạt động chữ thập đỏ do tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế thực hiện trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Điều 3. Chính sách đối với người tham gia hoạt động chữ thập đỏ
1. Người tham gia hoạt động chữ thập đỏ có thành tích thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
2. Người đang trực tiếp tham gia hoạt động chữ thập đỏ bị tai nạn dẫn đến thiệt hại về sức khỏe thì được hỗ trợ:
a) Chi phí y tế cho việc cứu chữa, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất hoặc giảm sút;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; nếu thu nhập của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại.
3. Người đang trực tiếp thực hiện hoạt động chữ thập đỏ dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân, nếu bị thiệt hại về tính mạng thì được xem xét để công nhận là liệt sỹ; nếu bị thương làm suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên thì được xem xét để được hưởng chính sách như thương binh, nếu bị thương làm giảm khả năng lao động từ 5% đến dưới 21% thì được hưởng trợ cấp một lần theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành.
4. Nguồn kinh phí, quy trình, thủ tục và hồ sơ hưởng chế độ khi người trực tiếp tham gia hoạt động chữ thập đỏ bị tai nạn dẫn đến thiệt hại về sức khỏe:
a) Chi phí y tế cho việc cứu chữa, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất hoặc giảm sút:
– Trường hợp người đang trực tiếp tham gia hoạt động chữ thập đỏ có tham gia bảo hiểm y tế: được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
– Trường hợp người đang trực tiếp tham gia hoạt động chữ thập đỏ không tham gia bảo hiểm y tế: ngân sách nhà nước hỗ trợ bằng mức thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế. Nguồn kinh phí thực hiện theo phân cấp hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước.
b) Hỗ trợ thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành.
c) Bộ Nội vụ phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức có liên quan quy định quy trình, thủ tục, hồ sơ, mức hỗ trợ người trực tiếp tham gia hoạt động chữ thập đỏ quy định tại khoản 2 Điều này.
Chương 2.
HỖ TRỢ, TẠO ĐIỀU KIỆN CHO HOẠT ĐỘNG CHỮ THẬP ĐỎ
Điều 4. Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho hoạt động chữ thập đỏ
1. Ngân hàng nhà nước hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan, đơn vị khi được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ vận động, tiếp nhận, vận chuyển, phân phối tiền, hiện vật cứu trợ trong các hoạt động chữ thập đỏ theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành, bao gồm:
a) Tiền thuê kho, bến bãi; tiền tiếp nhận và chi phí vận chuyển hàng cứu trợ đến tận tay người sử dụng;
b) Công tác phí trong thời gian tham gia hoạt động chữ thập đỏ theo quy định hiện hành;
c) Chi phí khác (nếu có) liên quan đến hoạt động vận động, tiếp nhận, vận chuyển, phân phối tiền, hiện vật cứu trợ.
2. Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động của Hội Chữ thập đỏ các cấp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.
3. Các đơn vị được giao nhiệm vụ vận động, tiếp nhận, vận chuyển, phân phối tiền, hiện vật cứu trợ thuộc đối tượng được ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoạt động thường xuyên hoặc được ngân sách nhà nước hỗ trợ thì sử dụng nguồn dự toán được giao hàng năm để chi trả các chi phí theo quy định tại khoản 1 Điều này và theo quy định pháp luật hiện hành. Trường hợp đột xuất phát sinh chi phí, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị thì báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp để giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định.
4. Việc sử dụng, quản lý nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho hoạt động chữ thập đỏ được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Điều 5. Quỹ hoạt động chữ thập đỏ
1. Quỹ hoạt động chữ thập đỏ bao gồm:
a) Quỹ cứu trợ khẩn cấp chữ thập đỏ;
b) Quỹ trợ giúp nhân đạo chữ thập đỏ;
c) Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam;
d) Các quỹ thành phần chữ thập đỏ khác.
2. Quỹ hoạt động chữ thập đỏ được thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý theo quy định tại Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
Điều 6. Ưu tiên, tạo thuận lợi thực hiện thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu đối với thuốc chữa bệnh, thuốc phòng, chống dịch và thiết bị y tế trong trường hợp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm.
1. Việc nhập khẩu, xuất khẩu thuốc chữa bệnh, thuốc phòng, chống dịch và trang thiết bị y tế trong trường hợp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành đối với trường hợp nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa theo yêu cầu khẩn cấp.
2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi, thực hiện nhanh chóng thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu đối với thuốc chữa bệnh, thuốc phòng, chống dịch và trang thiết bị y tế phục vụ hoạt động chữ thập đỏ trong trường hợp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm theo hướng dẫn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 7. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu phục vụ hoạt động chữ thập đỏ trong trường hợp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm
1. Cơ quan hải quan thực hiện thủ tục hải quan đối với việc nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa phục vụ hoạt động chữ thập đỏ về cứu trợ khẩn cấp theo quy định tại Điều 35 Luật Hải quan và quy định tại Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan.
2. Hội Chữ thập đỏ có văn bản xác nhận hàng hóa được nhập khẩu, xuất khẩu phục vụ hoạt động chữ thập đỏ về cứu trợ khẩn cấp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về xác nhận của tổ chức mình.
Điều 8. Ưu tiên, tạo thuận lợi thực hiện thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh và đi lại đối với người tham gia hoạt động chữ thập đỏ trong trường hợp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm
1. Người nước ngoài vào hoạt động chữ thập đỏ tại Việt Nam trong trường hợp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm được cơ quan đại diện Việt Nam tại nước sở tại xét cấp thị thực trong thời gian 24 giờ kể từ khi nhận đơn hoặc xét cấp thị thực ngay tại cửa khẩu quốc tế tại Việt Nam. Thị thực được cấp, sửa đổi, bổ sung khi cần trong thời gian triển khai các hoạt động cứu trợ thiên tai, thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm.
2. Hồ sơ xin cấp thị thực được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 21/2001/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và các văn bản pháp luật có liên quan. Văn bản kêu gọi quốc tế tham gia hoạt động chữ thập đỏ trong trường hợp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm ở Việt Nam của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có giá trị như giấy mời.
3. Người nước ngoài vào hoạt động chữ thập đỏ tại Việt Nam trong trường hợp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam tạo điều kiện đi lại và hoạt động trong khu vực chịu ảnh hưởng bởi thiên tai; tham gia hoạt động cứu trợ và phục hồi sau thiên tai, thảm họa.
4. Công dân Việt Nam tham gia hoạt động cứu trợ thiên tai, thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm ở nước ngoài có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, pháp luật của nước sở tại, pháp luật và tập quán quốc tế.
5. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam tạo điều kiện để Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tham gia các hoạt động cứu trợ quốc tế.
Chương 3.
CƠ SỞ PHỤC VỤ HOẠT ĐỘNG CHỮ THẬP ĐỎ
Điều 9. Cơ sở bảo trợ xã hội chữ thập đỏ
1. Cơ sở bảo trợ xã hội chữ thập đỏ do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thành lập hoặc phối hợp với tổ chức, cá nhân thành lập để nuôi dưỡng, phục hồi chức năng theo chế độ miễn, giảm phí đối với nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, người già không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
2. Việc tiếp nhận nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội chữ thập đỏ được thực hiện theo nguyên tắc ưu tiên những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
3. Việc thành lập cơ sở bảo trợ xã hội chữ thập đỏ được thực hiện theo trình tự và thủ tục quy định tại Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội.
4. Kinh phí hoạt động của cơ sở bảo trợ xã hội chữ thập đỏ bao gồm:
a) Nguồn do cấp Hội vận động quyên góp và tổ chức, cá nhân phối hợp lập cơ sở bảo trợ xã hội chữ thập đỏ đóng góp;
b) Nguồn trợ giúp từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;
c) Nguồn đóng góp của đối tượng tự nguyện;
d) Nguồn thu khác theo quy định của pháp luật;
đ) Ngân sách nhà nước hỗ trợ để nuôi dưỡng các đối tượng thuộc diện hưởng chính sách bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật
Điều 10. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chữ thập đỏ
1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chữ thập đỏ là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thành lập hoặc phối hợp với tổ chức, cá nhân thành lập để thực hiện khám bệnh, chữa bệnh miễn phí cho những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tham gia khám bệnh, chữa bệnh cho đối tượng bảo hiểm y tế và khám bệnh, chữa bệnh có thu phí cho các đối tượng khác khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật.
2. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chữ thập đỏ được thành lập theo các hình thức tổ chức phù hợp với quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
3. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chữ thập đỏ được thành lập và hoạt động khi đáp ứng đủ các điều kiện hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
4. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chữ thập đỏ thực hiện tự cân đối thu chi để bảo đảm kinh phí hoạt động. Nguồn kinh phí hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chữ thập đỏ bao gồm:
a) Nguồn do cấp Hội vận động quyên góp;
b) Nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân phối hợp lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chữ thập đỏ;
c) Nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;
d) Nguồn thu hợp pháp theo quy định của pháp luật.
5. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chữ thập đỏ được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về khuyến khích xã hội hóa hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Điều 11. Cơ sở hiến máu chữ thập đỏ
1. Cơ sở hiến máu chữ thập đỏ là cơ sở hiến máu nhân đạo do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thành lập hoặc phối hợp với tổ chức, cá nhân thành lập nhằm cung cấp máu, chế phẩm máu phục vụ cấp cứu và điều trị người bệnh.
2. Cơ sở hiến máu chữ thập đỏ thực hiện các hoạt động sau đây:
a) Tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện;
b) Tổ chức hiến máu tình nguyện;
c) Tiếp nhận máu và tham gia cung cấp chế phẩm máu;
d) Phối hợp với cơ quan y tế trong việc xét nghiệm, bảo quản đúng quy trình kỹ thuật máu và sản phẩm máu.
3. Cơ sở hiến máu chữ thập đỏ tự cân đối thu chi để đảm bảo kinh phí hoạt động. Nguồn kinh phí hoạt động của cơ sở hiến máu chữ thập đỏ bao gồm:
a) Nguồn do cấp Hội vận động quyên góp;
b) Nguồn đóng góp từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;
c) Nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
4. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan quy định cụ thể điều kiện hoạt động, thủ tục thành lập cơ sở hiến máu chữ thập đỏ.
Điều 12. Trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ
1. Trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thành lập hoặc phối hợp với tổ chức, cá nhân thành lập tại nơi thường xuyên xảy ra tai nạn để thực hiện các hoạt động sơ cấp cứu ban đầu được quy định tại khoản 3 Điều 9 của Luật Hoạt động chữ thập đỏ.
2. Trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ được tổ chức và hoạt động theo quy chế do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ban hành.
3. Trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ tự cân đối thu chi để đảm bảo kinh phí hoạt động. Nguồn kinh phí hoạt động của trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ bao gồm:
a) Nguồn do cấp Hội vận động quyên góp;
b) Nguồn đóng góp từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;
c) Nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
4. Ủy ban nhân dân các cấp nơi có trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ được thành lập và hoạt động.
5. Bộ Y tế quy định cụ thể điều kiện hoạt động, thủ tục thành lập, hồ sơ cấp giấy phép hoạt động của trạm, điểm sơ cấp cứu chữ thập đỏ.
Điều 13. Cơ sở huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu chữ thập đỏ
1. Cơ sở huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu chữ thập đỏ do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thành lập hoặc phối hợp với tổ chức, cá nhân thành lập để huấn luyện kỹ năng, phương pháp sơ cấp cứu cho cán bộ, nhân dân tại cộng đồng, cơ quan, doanh nghiệp, trường học và các tổ chức, cá nhân khác khi có yêu cầu.
2. Cơ sở huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu chữ thập đỏ tự cân đối thu chi để đảm bảo kinh phí hoạt động; tổ chức và hoạt động theo quy chế do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ban hành. Nguồn kinh phí hoạt động của cơ sở huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu chữ thập đỏ bao gồm:
a) Nguồn do cấp Hội vận động quyên góp;
b) Nguồn trợ giúp từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài;
c) Nguồn đóng góp của đối tượng tự nguyện;
d) Nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật;
3. Bộ Y tế quy định nội dung huấn luyện sơ cấp cứu, khung chương trình huấn luyện sơ cấp cứu và việc cấp giấy chứng nhận cho học viên sau khi huấn luyện.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc huấn luyện sơ cấp cứu trong các trường học cho đội ngũ giáo viên, học sinh, sinh viên và phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam để tổ chức thực hiện.
Điều 14. Đội khám bệnh, chữa bệnh chữ thập đỏ lưu động
1. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lập đội khám bệnh, chữa bệnh chữ thập đỏ lưu động để khám bệnh, chữa bệnh miễn phí cho nhân dân ở những nơi có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc những nơi xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và những địa bàn khác khi có nhu cầu.
2. Đội khám bệnh, chữa bệnh chữ thập đỏ lưu động hoạt động theo quy chế do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ban hành.
3. Đội khám bệnh, chữa bệnh chữ thập đỏ lưu động có trách nhiệm phối hợp với Hội Chữ thập đỏ và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đến khám bệnh, chữa bệnh để tổ chức các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, tuyên truyền về bảo vệ sức khỏe cộng đồng, vệ sinh môi trường.
4. Bộ Y tế quy định điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và chuyên môn của đội khám bệnh, chữa bệnh chữ thập đỏ lưu động.
Chương 4.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 02 năm 2011.
Điều 16. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng Bộ Nội vụ có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu thi hành Nghị định này.
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ Nguyễn Tấn Dũng |