LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU Để khuyến khích và tạo thêm điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và cho các tổ chức kinh tế Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế mở rộng hợp tác đầu tư với nước ngoài; Căn cứ vào Điều 83 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Luật này sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư nước ngoại tại Việt Nam được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29 tháng 12 năm 1987. Điều 1 Các Điều 2, 3, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, 16, 25, 27, 29, 30 và 37 được sửa đổi, bổ sung như sau: 1- Các điểm 2, 4, 5, 6 và 10 Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau: “2. “Bên Việt Nam” là một bên gồm một hoặc nhiều tổ chức kinh tế Việt Nam có tư cách pháp nhân thuộc các thành phần kinh tế”. “4. “Hai bên” là Bên Việt Nam và Bên nước ngoài. “Nhiều bên” là Bên Việt Nam và các Bên nước ngoài, hoặc là Bên nước ngoài và Bên Việt Nam, hoặc là các Bên Việt Nam và các Bên nước ngoài”. “5. “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” là văn bản ký giữa hai bên hoặc nhiều bên về hợp tác kinh doanh”. “6. “Hợp đồng liên doanh” là văn bản ký giữa hai bên hoặc nhiều bên về việc thành lập xí nghiệp liên doanh, hoặc là văn bản ký giữa xí nghiệp liên doanh với tổ chức, cá nhân nước ngoài để thành lập xí nghiệp liên doanh mới tại Việt Nam”. “10. “Xí nghiệp liên doanh” là xí nghiệp do hai bên hoặc nhiều bên hợp tác thành lập tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng liên doanh hoặc hiệp định ký giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ nước ngoài, hoặc là xí nghiệp mới do xí nghiệp liên doanh hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài thành lập tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng liên doanh”. 2- Điều 3 được bổ sung một đoạn vào cuối Điều như sau: “Các tổ chức kinh tế tư nhân Việt Nam được hợp tác kinh doanh với tổ chức, cá nhân nước ngoài trong lĩnh vực và điều kiện do Hội đồng bộ trưởng quy định”. 3- Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Hai bên hoặc nhiều bên được hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh như hợp tác sản xuất chia sản phẩm và các hình thức hợp tác kinh doanh khác. Đối tượng, nội dung kinh doanh, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi bên và quan hệ giữa các bên do các bên thoả thuận và ghi trong hợp đồng hợp tác kinh doanh”. 4- Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Hai bên hoặc nhiều bên được hợp tác với nhau để thành lập xí nghiệp liên doanh. Xí nghiệp liên doanh được hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài để thành lập xí nghiệp liên doanh mới tại Việt Nam. Xí nghiệp liên doanh có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam”. 5- Điều 8 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Phần góp vốn của Bên nước ngoài hoặc các Bên nước ngoài vào vốn pháp định của xí nghiệp liên doanh không bị hạn chế về mức cao nhất, theo sự thoả thuận của các bên nhưng không dưới 30% vốn pháp định. Đối với xí nghiệp liên doanh nhiều bên, tỷ lệ góp vốn tối thiểu của mỗi Bên nước ngoài và mỗi Bên Việt Nam do Hội đồng bộ trưởng quy định. Giá trị phần góp vốn của mỗi bên được xác định trên cơ sở giá thị trường quốc tế và được ghi vào văn bản thành lập bằng tiền Việt Nam hoặc tiền nước ngoài do các bên thoả thuận”. 6- Điều 12 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Cơ quan lãnh đạo của xí nghiệp liên doanh là Hội đồng quản trị. Các bên chỉ định người của mình tham gia Hội đồng quản trị theo tỷ lệ tương ứng với phần góp vốn vào vốn pháp định của xí nghiệp liên doanh. Trong trường hợp liên doanh hai bên thì mỗi bên ít nhất có hai thành viên trong Hội đồng quản trị. Trong trường hợp liên doanh nhiều bên thì mỗi bên ít nhất có một thành viên trong Hội đồng quản trị. Nếu trong xí nghiệp liên doanh có một Bên Việt Nam và nhiều Bên nước ngoài hoặc một Bên nước ngoài và nhiều Bên Việt Nam, thì Bên Việt Nam hoặc Bên nước ngoài ít nhất có hai thành viên trong Hội đồng quản trị. Chủ tịch Hội đồng quản trị do các bên thoả thuận cử ra. Tổng giám đốc và các Phó tổng giám đốc do Hội đồng quản trị cử ra để điều hành các hoạt động hàng ngày của xí nghiệp và chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị về hoạt động của xí nghiệp. Tổng giám đốc hoặc Phó tổng giám đốc thứ nhất là công dân Việt Nam”. 7- Đoạn 4 Điều 16 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Lương và các khoản phụ cấp của người lao động Việt Nam được trả bằng tiền Việt Nam hoặc tiền nước ngoài trích từ tài khoản của xí nghiệp mở tại Ngân hàng”. 8- Đoạn 1 Điều 27 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Tuỳ thuộc vào lĩnh vực đầu tư, địa bàn đầu tư, quy mô vốn đầu tư, khối lượng hàng xuất khẩu, khối lượng hàng thay thế hàng nhập khẩu thiết yếu mà trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất chưa đủ, tính chất và thời gian hoạt động, cơ quan Nhà nước quản lý đầu tư nước ngoài có thể miễn thuế lợi tức cho xí nghiệp liên doanh trong một thời gian tối đa là 2 năm, kể từ năm bắt đầu kinh doanh có lãi và giảm 50% thuế lợi tức trong một thời gian tối đa là 2 năm tiếp theo”. 9- Điều 29 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các bên nước ngoài hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng sử dụng đất đai, mặt nước, mặt biển của Việt Nam, thì phải trả tiền thuê ; trong trường hợp khai thác tài nguyên thì phải nộp thuế tài nguyên”. 10- Tại các Điều 7, 10, 11, 25, 30 và 37 các chữ “hai bên” được thay bằng “các bên”. Điều 2 Hội đồng bộ trưởng sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phù hợp với Luật này. Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1990.
CỦA LUẬT ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM