Luật Sửa Đổi Bổ Luật Tổ Chức Kiểm Sát Nhân Dân 22/12/1988

LUẬT

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT TỔ CHỨC VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN

 

Căn cứ vào Điều 83 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Luật này sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân ngày 4-7-1981.

Điều 3

Điểm 2 mới:

“2- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra của các cơ quan điều tra, của Bộ đội biên phòng, Hải quan và Kiểm lâm”.

Bổ sung điểm 6 và điểm 7:

“6. Điều tra tội phạm trong những trường hợp quy định tại khoản 3, Điều 92 Bộ luật tố tụng hình sự”;

“7. Khởi tố hoặc tham gia tố tụng những vụ án dân sự khi xét thấy cần thiết”.

Điều 5

Bổ sung vào cuối khoản 3:

“Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền ra quyết định đình chỉ và buộc phải sửa chữa những hành vi vi phạm pháp luật có thể gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bỏ các Điều 9, 10 và 11, thay bằng Điều 9 mới:

Điều 9

“Khi thực hiện công tác kiểm sát điều tra, quyết định việc truy tố, các Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại Điều 141 và Điều 142 Bộ luật tố tụng hình sự”.

Điều 13

Bỏ điểm 1 quy định về việc trù bị phiên toà.

Điểm 3 mới:

“3. Yêu cầu Toà án nhân dân cùng cấp và cấp dưới chuyển hồ sơ những vụ án cần thiết cho công tác kiểm sát xét xử”;

Điểm 5 mới:

“5. Kháng nghị các bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm quy định tại Điều 244 và Điều 263 Bộ luật tố tụng hình sự”;

Điểm 6 mới:

“6. Khi kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, Viện kiểm sát nhân dân có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án hoặc quyết định bị kháng nghị”.

Bổ sung hai Điều mới là Điều 13a và Điều 13b.

Điều 13a

“Khi thực hiện công tác kiểm sát xét xử dân sự, các Viện kiểm sát nhân dân có quyền:

1. Kiểm sát việc xét xử các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình và lao động;

2. Khởi tố những vụ án dân sự khi Viện trưởng xét thấy cần thiết;

3. Tiến hành kiểm sát việc lập hồ sơ, tự mình hoặc yêu cầu Toà án trưng cầu giám định, kiểm tra xác minh những vấn đề cần làm sáng tỏ nhằm giải quyết đúng đắn vụ án;

4. Kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm các bản án và quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân cùng cấp và cấp dưới;

5. Kháng nghị các bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân theo thủ tục giám đốc thẩm khi thấy có vi phạm pháp luật hoặc theo thủ tục tái thẩm khi thấy có tình tiết mới.

Trong mọi trường hợp, bản kháng nghị phải được gửi cho các bên đương sự và những người có quyền và lợi ích liên quan đến việc kháng nghị”.

Điều 13b

“Những người sau đây có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm các bản án và quyết định về dân sự, hôn nhân gia đình và lao động:

a) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị các bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân các cấp theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm;

b) Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị các bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân cấp dưới theo thủ tục giám đốc thẩm;

c) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có quyền kháng nghị các bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân cấp dưới theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Những người kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm có quyền tạm đình chỉ thi hành bản án hoặc quyết định bị kháng nghị.”

Điều 14

Bổ sung khoản 3:

“3. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình Hội đồng Nhà nước ý kiến của mình về những trường hợp người bị án xin ân giảm án tử hình.”

Điều 16 mới

“Khi thực hiện công tác kiểm sát thi hành án, các Viện kiểm sát nhân dân có quyền:

1. Yêu cầu cơ quan và nhân viên thi hành án:

a) Tự kiểm tra việc thi hành các bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân và thông báo kết quả kiểm tra cho Viện kiểm sát nhân dân biết;

b) Cung cấp những tài liệu, văn bản hoặc xuất trình các hồ sơ, sổ sách, giấy tờ có liên quan đến việc thi hành án;

c) Thi hành các bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân chưa được thi hành.

2. Kiểm sát tại chỗ việc tuân theo pháp luật của các cơ quan và nhân viên hữu quan trong việc thi hành các bản án và quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân; kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan, nhân viên đó trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân đối với việc thi hành án.

3. Kiến nghị hoặc kháng nghị với các cơ quan, nhân viên hữu quan, yêu cầu sửa đổi, bãi bỏ hoặc đình chỉ những văn bản, biện pháp hoặc việc làm vi phạm pháp luật trong việc thi hành án; xử lý kỷ luật người chịu trách nhiệm về việc làm vi phạm pháp luật đó.

Trong trường hợp cần thiết thì khởi tố dân sự hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Điều 20

Bổ sung đoạn 2:

“Đối với các quyết định ghi tại điểm 6, Điều 19 Luật này, trong trường hợp không nhất trí thì cơ quan hoặc người có trách nhiệm vẫn phải chấp hành ngay, nhưng có quyền khiếu nại lên Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn hai mươi ngày, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp phải xét và giải quyết khiếu nại.”

Điều 22

Khoản 1, đoạn 1 mới:

“1. Viện kiểm sát nhân dân tối cao gồm có Viện trưởng, Phó Viện trưởng thứ nhất, các Phó Viện trưởng, các kiểm sát viên và các điều tra viên.”

Khoản 2, đoạn 1 mới:

“2. Viện kiểm sát nhân dân tối cao có Uỷ ban kiểm sát gồm Viện trưởng, các Phó Viện trưởng và một số kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Viện trưởng chỉ định và trình Hội đồng Nhà nước phê chuẩn.”

Khoản 3 mới:

“3. Viện kiểm sát nhân dân tối cao có các Cục, Vụ, Viện, Văn phòng và các trường đào tạo cán bộ về nghiệp vụ kiểm sát.”

Điều 23

Khoản 1, đoạn 1 mới:

“1. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp tương đương gồm có Viện trưởng, Phó Viện trưởng thứ nhất, các Phó Viện trưởng, các kiểm sát viên và các điều tra viên.”

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VIII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 22 tháng 12 năm 1988

Tags: , ,

Comments are closed.