Học để “ra tiền”
Chị Thu là một phụ huynh làm nghề buôn bán nhỏ, có con gái năm nay đang học lớp 3, Trường Tiểu học Tân Mai. Một tuần, ngoại trừ học bán trú ở trường, buổi tối về, bé Thanh Mai, con chị còn học thêm Toán và tiếng Anh với hai cô giáo trong khu phố.
Bé Mai học rất tốt cả hai môn Văn, Toán. Tuy thế, chị chưa hề có ý định cho con học bồi dưỡng năng khiếu môn văn. Thậm chí, chị luôn khuyến khích con học Toán nhiều hơn. Chị nói: “Môn Văn như thế là được rồi, chỉ cần lấy 5 – 6 điểm. Còn môn Toán phải đầu tư cho nó học, để sau này còn theo khối A.”
Hỏi về các môn xã hội, chị đáp lời: “Thời buổi bây giờ phải học Toán, thi vào mấy trường kinh tế, ngân hàng thì mới làm giàu được chứ. Học khối C thì sau này nhà không có ‘cơ’ bên mấy ngành đó, lấy tiền đâu mà xin việc cho nó.”
Chị Thu dẫn chứng: Cô của bé Mai, tốt nghiệp Ngoại thương, đi làm cho Ngân hàng, tiền nong lúc nào cũng rủng rỉnh, mới mấy năm đã có nhà cửa ‘rung rinh’ ở Hà Nội. Chị họ của bé tốt nghiệp kinh tế, cũng làm trong Ngân hàng, và giàu không kém.
Chị bổ sung thêm: Còn mấy anh em nữa trong nhà theo học khối C, người nào cũng tốt nghiệp bằng giỏi, đi dạy là giáo viên giỏi, rồi làm báo chí, công an nhưng ai cũng chỉ đủ ăn thôi, có giàu được đâu, thậm chí còn chật vật. Nhiều con cái của bạn bè chị học nhóm ngành này ra, tốn bao nhiêu tiền xin việc mà còn chưa có chỗ “nhét”.
Trên thực tế, ngay từ khi con mới học lớp 3, lớp 4, nhiều phụ huynh đã định hướng cho con học các môn tự nhiên, còn các môn xã hội chỉ học cầm chừng. Trong đó, người có suy nghĩ như chị Thu khá phổ biến.
Chị Thanh Thảo, tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm I với tấm bằng khá vẫn đang trên đường tìm kiếm việc làm thì khẳng định: Sau này, nhất định sẽ không cho con học đại học ở các lĩnh vực này. Giỏi bên ngành đã khó, giàu càng khó hơn. Người kiếm được vài chục triệu/tháng từ công việc lại càng là con số ít.
Tuy nhiên, cũng có những phụ huynh nghĩ khác. Chị Hương, hiện làm trong một cơ quan báo chí thì cho biết: Bản thân chị không thấy khó xin việc. Nhiều người theo học nhóm ngành này vẫn xin được việc làm tốt. Vì thế, nếu con chị muốn học khối C, rồi sau này vào các ngành khoa học xã hội, chị cũng không ngăn cản, quan trọng là năng lực của con đến đâu.
Vừa thiếu thực hành lại không có yếu tố “ngoại”
Đạo diễn Đỗ Đức Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần sản xuất truyền thông Digisun cho biết, các ứng viên của công ty đến từ những ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn không nhiều.
“Tôi không quan trọng họ tốt nghiệp trường nào, mà đánh giá cao khả năng tư duy thực hành và sự kiên trì theo đuổi mục tiêu của ứng viên”.
Anh Thành nhận xét: Riêng yếu tố “ngoại”, mà chủ yếu ở đây là ngoại ngữ, các bạn chỉ có vốn tàm tạm, chưa sử dụng được trong công việc. Đây thực sự là một hạn chế lớn khi cần mở rộng kiến thức và làm việc với đối tác trong ngành này.
“Kiến thức nền của ứng viên những ngành học này vừa thiếu lại vừa thừa. Đặc biệt, khả năng thích ứng với công việc, áp dụng kiến thức quá sơ sài” – anh Thành nói thêm.
Có nhiều ứng viên kiến thức nền rất tốt nhưng điều quan trọng là áp dụng kiến thức nào để giải quyết một việc cụ thể thì lại rất khó khăn.
Một cán bộ tuyển dụng ngành truyền hình cùng chung nhận xét: “Với phương pháp giáo dục hiện tại của ta,i 4 năm 2 kỳ thực tập chóng vánh quả là một ‘đại họa’ cho các nhà tuyển dụng. Sinh viên ra trường tỏ rõ sự thiếu hụt trong kỹ năng, khả năng tư duy logic và tư duy tổng thể. Thực tế cho thấy, có khoảng cách qua xa giữa kiến thức trong nhà trường và những gì nhà tuyển dụng yêu cầu”.
Nhà tuyển dụng này cho biết mong muốn những ứng viên tốt nghiệp các ngành khoa học xã hội có kiến thức nền tốt, chứ chưa “dám” đòi hỏi về trình độ ngoại ngữ. Vậy nhưng ngay cả điều này cũng khó kỳ vọng, bởi sinh viên các ngành xã hội hiện đại có điều kiện tiếp xúc với Internet, nhanh nhẹn, nhưng không sâu sắc – đó là lý do kiến thức của nhiều người bị hổng.
Luật sư Phạm Thành Long, Giám đốc công ty Luật gia Phạm quan niệm: “Trăm hay không bằng tay quen.” Vì thế, với mỗi ứng viên ngành luật hay tốt nghiệp từ những ngành khoa học xã hội khác vào công ty, anh đều cố gắng đào tạo họ bước vào thực hành, gắn với thực tiễn chứ không “nằm chết” mãi trên những lý thuyết được học.
Luật sư Phạm Thành Long chia sẻ: Các nhà tuyển dụng kêu về chất lượng ứng viên các ngành khoa học xã hội à rất đúng. Vì thực tế cho thấy như vậy. Và lúc này, thực tế vẫn không thay đổi. Cho dù kêu thế nào đi nữa, họ là người nghe đầu tiên. Vì vậy, thay vì chấp nhận là “nạn nhân của việc đào tạo”, anh ra sức đào tạo những ứng viên đã chọn, chỉ cần họ có đam mê, tầm nhìn.
Học Khoa học xã hội, phải ra nước ngoài
Chu Thị Thùy Dương là học sinh lớp 12 Anh Trường THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam, học sinh vừa đạt giải nhất quốc gia môn tiếng Anh năm nay nuôi dưỡng ước mơ trở thành nhà Tâm lý học.
Nơi em chọn để thực hiện ước mơ là một trong những trường ĐH của Mỹ. Tương lai, Dương sẽ học cao học về ngành này và trở về Việt Nam làm việc. “Ở nước mình, dù ngành em theo đuổi chưa thực sự được coi trọng, nhưng em tin sớm muộn nó sẽ được trả về đúng vị trí của mình.”- Dương nói.
Đạo diễn Đỗ Đức Thành, chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Digisun cho biết, nếu mai sau các con chọn khối C hay các ngành khoa học xã hội, anh sẽ tôn trọng ý muốn đó. Tuy nhiên, anh sẽ cho con ra nước ngoài để hưởng một nền giáo dục tốt hơn.
Luật sư Phạm Thành Long, Giám đốc công ty Luật gia Phạm cũng chung quan điểm. Anh không quan trọng việc con chọn lĩnh vực nào để học, mà quan trọng con sẽ làm được gì. Vì thế, tất cả các con sẽ được anh cho học ở nước ngoài.
Nguyễn Hường