Đăng ký Nhãn hiệu Quốc tế – Việc cần làm ngay

 

I.Tại sao phải đăng ký nhãn hiệu quốc tế:

– Hiện nay, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam và các Điều ước Quốc tế về sở hữu trí tuệ đều xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu dựa trên cơ sở đăng ký (trừ một số ít quốc gia xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu trên cơ sở sử dụng). Doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu tại quốc gia nào thì chỉ được bảo hộ nhãn hiệu tại quốc gia đó. Do vậy, việc đăng ký nhãn hiệu quốc tế là rất cần thiết nhằm đảm bảo quyền sở hữu của Doanh nghiệp tại các thị trường xuất khẩu và tránh việc tốn kém chi phí, công sức vào các tranh chấp không cần thiết trong quá trình kinh doanh.

II. Căn cứ xác định danh mục các nước xin Đăng ký Nhãn hiệu Quốc tế:
    Doanh nghiệp nên xác định danh mục các nước xin đăng ký nhãn hiệu Quốc tế dựa trên các căn cứ sau:

– Kế hoạch xuất khẩu và kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp: Thông thường việc đăng ký thường phải tiến hành trước khi     Doanh nghiệp tiến hành xuất khẩu hàng hóa, mở rộng thị trường sang một quốc gia khác. Vì vậy, mỗi Doanh nghiệp hãy hoạch định lại chiến lược kinh doanh của mình để xác định thị trường trọng điểm, tiềm năng để tiến hành việc đăng ký.

– Kinh phí cho việc đăng ký nhãn hiệu quốc tế: Do việc đăng ký nhãn hiệu bị giới hạn bởi phạm vi quốc gia nên sự lựa chọn tối ưu nhất cho mỗi Doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu tại tất cả các quốc gia dự định xuất khẩu. Tuy nhiên, điều này có thể khiến Doanh nghiệp phải tốn một khoản chi phí khá lớn trong việc xác lập quyền. Đối với các Doanh nghiệp lớn, các tập đoàn đa quốc gia thì đây không phải là một vấn đề lớn so với hiệu quả từ việc đăng ký mang lại. Tuy nhiên, đối với các Doanh nghiệp mới, Doanh nghiệp vừa và nhỏ thì đây là một vấn đề rất lớn.

III. Hình thức đăng ký nhãn hiệu quốc tế:
     Hiện nay, để đăng ký nhãn hiệu quốc tế, Doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong hai hình thức sau:
a. Đăng ký nhãn hiệu tại từng quốc gia:

– Doanh nghiệp có thể trực tiếp nộp đơn tại từng quốc gia dự định đăng ký cho nhãn hiệu thông qua đại diện hợp pháp của mình tại các nước này. Tuy nhiên, đây là hình thức đăng ký bắt buộc đối với một số nước không phải là thành viên của các Điều ước quốc tế về Sở hữu trí tuệ như một số nước Asean.

– Hạn chế lớn nhất của hình thức đăng ký này là ngoài khoản phí nộp cho cơ quan nhà nước, Doanh nghiệp sẽ phải nộp thêm một khoản chi phí cho Luật sư nước sở tại do hầu hết các nước đều chưa cho phép các Doanh nghiệp tự nộp đơn đăng ký mà không thông qua đại diện của mình. Đồng thời, việc không am hiểu pháp luật về sở hữu trí tuệ của từng nước cũng có thể gây cho Doanh nghiệp nhiều khó khăn trong quá trình đăng ký.

b. Đăng ký nhãn hiệu thông qua hình thức nộp đơn Quốc tế:

Trong trường hợp Doanh nghiệp đăng ký tại nhiều quốc gia thì có thể lựa chọn hình thức nộp đơn quốc tế.

– Hiện nay có các hình thức nộp đơn quốc tế như sau:

– Đăng ký theo hệ thống Madrid (Bao gồm cả Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid)

– Doanh nghiệp chỉ cần nộp đơn duy nhất tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và đơn nhãn hiệu sẽ được xét nghiệm tại các nước mà doanh nghiệp chỉ định. Nhãn hiệu sẽ được bảo hộ tại các nước chỉ định nếu đạt tiêu chuẩn bảo hộ. Việc từ chối bảo hộ của một nước nào không ảnh hưởng đến việc bảo hộ tại các nước khác. Tuy nhiên, xin lưu ý là nếu Doanh nghiệp nộp đơn theo Thỏa ước Madrid thì nhãn hiệu đó phải được bảo hộ tại nước sở tại trước.

– Hệ thống nộp đơn này hiện nay đã có hơn 100 nước thành viên trong đó có cả các nước thành viên lớn như: Cộng đồng Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản… Tuy nhiên, một số nước bạn hàng quen thuộc tại Việt Nam lại chưa tham gia như: các nước Asean.

– Trong vòng 06 tháng kể từ ngày nộp đơn, Doanh nghiệp có quyền chỉ định thêm các nước thành viên mà vẫn được bảo lưu ngày ưu tiên.

– Đăng ký nhãn hiệu tại Khối thị trường chung Châu Âu (CMT).
Với hình thức đăng ký này, văn bằng bảo hộ sẽ có hiệu lực đồng thời tại toàn bộ các nước thành viên thuộc cộng đồng chung Châu Âu. Tuy nhiên, ngoài ưu điểm thủ tục đơn giản, tiết kiệm chi phí thì hình thức đăng ký này lại có một nhược điểm rất lớn đó là nếu như có một nước thành viên từ chối bảo hộ thì nhãn hiệu sẽ không còn được độc quyền sử dụng tại tất cả các nước còn lại.

IV. Những lưu ý khi đăng ký nhãn hiệu quốc tế.

* Khi đăng ký nhãn hiệu quốc tế, doanh nghiệp cần lưu ý các vấn đề sau:

– Cần phải am hiểu các quy định về việc đăng ký của các nước và các Điều ước quốc tế về Sở hữu trí tuệ để đánh giá khả năng bảo hộ của nhãn hiệu và chuẩn bị các tài liệu cần thiết cho việc đăng ký cũng như chuẩn bị trả lời các thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Trong quá trình đăng ký, nhãn hiệu của Doanh nghiệp có thể bị phản đối bới một bên thứ ba. Việc bị phản đối này không phải là điều hiếm gặp mà thường xuyên xảy ra. Các phản đối này có thể phù hợp với các quy định pháp luật nhưng cũng có thể không phù hợp. Trong trường hợp này, Doanh nghiệp cần bĩnh tĩnh, nghiên cứu các văn bản pháp luật có liên quan, xin ý kiến tham vẫn của luật sư trong trường hợp cần thiết.

– Để tránh tình trạng tài sản trí tuệ của mình có thể bị chiếm đoạt, doanh nghiệp cần nhanh chóng tiến hành việc đăng ký, nâng cao ý thức cảnh giác với chính cả các bạn hàng của mình. Thực tế qua các trường hợp của cà phê Trung Nguyên, thuốc tá Vinataba, bánh tráng Sa Giang.. thì chính bạn hàng của các doanh nghiệp mới là đối thủ đáng gờm nhất trong cuộc chiến bảo vệ tài sản trí tuệ của Doanh nghiệp.

Là một Công ty Luật hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực Sở hữu Trí tuệ, Luật Gia Phạm đã đại diện cho nhiều Doanh nghiệp bảo vệ quyền sở hữu đối với nhãn hiệu của mình tại Nước ngoài như:
Nhãn hiệu “BlueStone” của Công ty Cổ phần TARA,
nhãn hiệu “DAKHONEY” của Công ty Cổ phần Ong mật DakLak…

Lời khuyên của chúng tôi với các Doanh nghiệp với tư cách là nhà tư vấn chuyên nghiệp là “Hãy hành động trước khi quá muộn”.
Chúng tôi rất sẵn sàng đại diện cho các Doanh nghiệp để xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong hành trình hội nhập kinh tế hiện nay.

Tags: , , ,

Comments are closed.